Dân Việt

Đà Nẵng hạn chế nhập cư: Cấm vẫn cứ ở!

26/12/2011 13:57 GMT+7
(Dân Việt) - Chị Lê Minh - một người dân gốc Đà Nẵng, trú quận Hải Châu nói: Thành phố có cấm thì người nhập cư vẫn cứ tiếp tục ở, tiếp tục đến, cái gì đã xảy ra vẫn cứ xảy ra, rào cản hộ khẩu cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Những ngày gần đây, việc HĐND TP.Đà Nẵng thông qua nghị quyết tạm dừng đăng ký hộ khẩu vào thành phố đang gây “nóng” trong dư luận và lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người lao động nhập cư.

Trái luật (?)

Ngày 25.12, bà Võ Thị Như Hoa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng - có ý kiến rằng: Tôi được biết, Điều 3 Luật Cư trú đã quy định công dân có quyền tự do cư trú, còn theo Khoản 1 Điều 20 luật này và Nghị định hướng dẫn thi hành số 56/2010 thì công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư nếu có chỗ ở hợp pháp tại thành phố đó và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên.

Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối tượng thuê, mượn, ở nhờ nhà được quyền nhập hộ khẩu nếu có đủ các điều kiện luật định”.

img
Người nhập cư là một lực lượng lao động quan trọng ở TP.Đà Nẵng.

Cũng theo bà Hoa, Khoản 1 Điều 1 Nghị định 56/2010 có quy định, UBND các cấp có trách nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác thuộc thẩm quyền có liên quan đến quy định về hộ khẩu phải bảo đảm đúng với Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú; không được làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

“Tóm lại, khi Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn luật này cho phép người nhập cư được quyền đăng ký thường trú thì Đà Nẵng không thể làm trái lại” - bà Hoa nói.

Cấm cũng ở

Trao đổi với NTNN, chị Lê Minh - một người dân gốc Đà Nẵng, trú quận Hải Châu nói: Thành phố có cấm thì người nhập cư vẫn cứ tiếp tục ở, tiếp tục đến, cái gì đã xảy ra vẫn cứ xảy ra, rào cản hộ khẩu cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nghị quyết này nếu được thực hiện chỉ giải quyết về con số báo cáo chứ không có ý nghĩa trên thực tế.

PV NTNN đã tìm gặp nhiều lao động từ các tỉnh, thành đến Đà Nẵng, ai cũng nói giống nhau rằng: “Dù thành phố có cấm kiểu gì thì chúng tôi vẫn phải bám trụ nơi đây để làm việc, mưu sinh”.

Một cán bộ lão thành đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thái Phiên (Đà Nẵng) cho rằng: “Việc tạm dừng nhập cư chỉ gây thêm phiền toái, đã không giải quyết được gì lại làm mất lòng dân, gây phân biệt trong cộng đồng”.

Ông Hoàng Văn Thông - cũng sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thái Phiên - dẫn chứng: Trước đây, TP.HCM từng dùng hộ khẩu để xiết dân nhập cư theo kiểu muốn nhập hộ khẩu thì phải có nhà, muốn có nhà thì phải có hộ khẩu. Gây khó khăn như thế trong một thời gian dài, nhưng TP.HCM cũng không giảm được dòng người nhập cư và sau đó thì TP.HCM buộc phải thực hiện đúng Luật Cư trú chứ không thể làm khác đi. Đà Nẵng cũng không nên thực hiện rồi lại đi vào “vết xe đổ” đó.

Bà Lê Thị Mai (70 tuổi, quê Quảng Trị, đang làm nghề bán vé số tại Đà Nẵng) nói: “Tôi đã có mấy chục năm sống ở đây với tờ giấy tạm trú. Nay thành phố có “siết” hay không thì tôi vẫn phải ở Đà Nẵng làm việc để kiếm cái ăn, nuôi con cái”.

Chị Lê Thị Công (quê Thanh Hóa, công nhân thời vụ ở Đà Nẵng) bất bình: Tôi chỉ là người lao động phổ thông nhưng tôi biết rằng, công dân có quyền tự do cư trú. Tôi không hiểu sao, Đà Nẵng lại muốn có một luật riêng như vậy?

Theo con số được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng, hiện người nhập cư ở Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là 11.356 hộ với 114.290 người, chiếm 11,5% dân số toàn thành phố. Số có đăng ký thường trú vào địa chỉ ở thuê, mượn, ở nhờ là 2.163 hộ với 14.344 nhân khẩu. Theo HĐND TP.Đà Nẵng, một bộ phận không nhỏ người nhập cư đang gây nguy cơ mất trật tự an ninh cho thành phố, gây quá tải về mọi mặt cho đời sống thành phố. Đây là cơ sở để dẫn đến việc tạm dừng nhập cư.

Tại kỳ họp này, ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “HĐND thành phố ra nghị quyết tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định thì không có gì sai Luật Cư trú” - ông Thanh nói.