Dân Việt

Vào thủ phủ hoa anh túc: Phía sau sự bình yên

26/12/2011 13:04 GMT+7
(Dân Việt) - Tây Bắc là địa bàn luôn nóng bỏng về tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng, tàng trữ chất ma tuý. Và Tây Bắc cũng đang nóng lên bởi tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trong những cánh rừng hoang vu, sâu thẳm...

Vào thời điểm cây anh túc đơm hoa trong niên vụ vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến với vùng cao Bắc Yên (Sơn La) - một trong những địa bàn có khu vực giáp ranh chuyên tái trồng cây thuốc phiện đều đặn xuất hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

img
Một bữa cơm giữa rừng của Đoàn 06.

Đây là vùng giáp ranh giữa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và các huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) và cũng là nơi sinh sống của cộng đồng người Mông hoa, Mông đỏ. Năm nào, tỉnh, huyện và xã, bản của hai bên cũng tuyên truyền chống tái trồng và triệt phá cây thuốc phiện nhưng việc tái trồng vẫn diễn ra ngày càng tinh vi hơn.

Thay đổi “chiến thuật”

Để đến được khu vực này phải mất mấy ngày đường ăn lương khô và đi xuyên rừng. Theo ông bạn đưa đường thì chính nơi giáp ranh này lâu nay vẫn là nơi tái trồng cây thuốc phiện “bền bỉ nhất” của vùng cao liên tỉnh Sơn La-Yên Bái.

Sau khi so sánh những lợi thế về giao thông, yếu tố thân thuộc của người dẫn đường, chúng tôi quyết định lấy điểm xuất phát phía bên Sơn La, nơi có bản Làng Sáng thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên giáp với một số bản của xã Suối Tọ (Phù Yên). Cũng theo ông bạn, lấy điểm đó là vì chúng tôi sẽ bám gót theo Đoàn 06 đi triệt phá cây thuốc phiện vùng giáp ranh.

Từ trung tâm huyện Bắc Yên, phải mất gần 3 tiếng mới “bò” xe máy đến được trung tâm xã Háng Đồng trong màn sương mù dày đặc. Cũng như những vùng cao khác của Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên),Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu)... Háng Đồng trước đây cũng là một địa bàn trồng nhiều hoa anh túc nhưng giờ đây thấy vắng bặt loại cây này.

Ông bạn đưa đường vốn gắn bó nhiều năm với vùng này, giải thích: “Háng Đồng giờ đã thay đổi nhiều rồi. Cây thuốc phiện không được trồng công khai như trước. Muốn gặp hoa anh túc thì phải vào sâu hàng chục cây số nữa, phải vượt mấy chục cái đỉnh núi đang phủ mây trắng kia”.

Cũng theo anh, dân trồng cây thuốc phiện bây giờ khôn lắm. Họ chọn nương xa bản đến mấy ngày đường, thường là những địa bàn giáp ranh với vùng khác, ít người qua lại. Chọn được đất tốt, họ hạ những mảnh rừng nhỏ chỉ vài trăm đến vài ngàn mét vuông để gieo hạt thuốc phiện.

Tra hạt xong là lặn mất tăm, đến mùa thu hoạch mới lẻn vào dựng lán thu nhựa trong khoảng 10 ngày. Những đối tượng lỳ lợm còn tận dụng cây thuốc phiện để nấu cao, bán cũng rất chạy. Muốn tận mắt thấy chuyện đó thì phải kiên trì vén mây, ngược núi thêm vài ngày nữa.

Thất vọng đầu tiên

Tựa lưng vào tảng đá bên đường, tranh thủ nắn bóp đôi bắp chân nhức mỏi, nghĩ lại đoạn đường từ đỉnh Tà Xùa vào xã Háng Đồng vừa đi qua mà tôi thấy ngán ngẩm. Đường nhỏ, đá hộc lổn nhổn, chênh vênh bên những sườn núi cao trên 2.000m so với mặt nước biển. Sương mù dày đặc như mưa bụi nên đường đất trơn trượt. Tiếng là đi xe máy nhưng thực chất thời gian tụt xuống đẩy xe vượt dốc của tôi nhiều hơn thời gian ngồi trên yên xe, vì thế cứ đi một đoạn là lại dừng để mồm mũi tranh nhau thở.

Tôi định quay về, nhưng lại nghĩ nếu bỏ về lúc này thì cũng toi công chờ đợi bao lâu; mà đây lại đúng dịp cây anh túc đơm hoa- thời điểm đẹp nhất trong vòng sinh trưởng của cây thuốc phiện.

Đang định phát huy tốc độ thì chúng tôi nhận được thông tin “Đoàn 06 (tên gọi tắt của đoàn triệt phá cây thuốc phiện) vừa đi triệt phá thuốc phiện về hôm qua rồi”. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, buồn bã. Người dẫn đường an ủi: Do đây là vấn đề khá nhạy cảm nên vị cán bộ xã quen tôi đã không thông báo lịch cụ thể đi triệt phá cây anh túc. Cách tốt nhất lúc này là tìm nơi tá túc để nạp năng lượng, rồi tính tiếp. Không gặp đoàn thì mình tự đi tì×m, kiểu gì chả bắt gặp mấy nương thuốc phiện...

Đêm xuống, sương mù cộng với cái lạnh đến chờn lòng. Ngồi bên bếp lửa được thắp lên bởi những thanh củi pơmu mà vẫn cảm nhận rõ cái lạnh căm căm của vùng cao. Tại nhà một thành viên (trong đoàn hơn 40 người thuộc Đoàn 06) vừa đi triệt phá anh túc về, chúng tôi được thông tin: Các đợt triệt phá vừa rồi chủ yếu tập trung khu vực giáp ranh giữa Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên, bởi đây là khu vực hay tái trồng. Mỗi đợt đi triệt phá, đoàn phải mất hơn 1 tuần nằm trong rừng. Trong đợt 1 đã triệt phá được 1,5ha. Còn đợt 2 vừa rồi chia làm hai tổ, tổ 1 phá được trên 7.200m2, tổ 2 phá được 1.200m2.

Cũng do đợt vừa rồi đi gặp sương mù nhiều, khả năng quan sát và tốc độ di chuyển bị hạn chế nên một số vị trí nghi vấn sẽ tiếp tục được rà soát trong đợt 3. Cũng trong đợt 2, Đoàn 06 của huyện Bắc Yên đã bắt được 8 đối tượng đều của bên Yên Bái như: Sồng Chứ Mang ở bản Tàng Ghênh, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) trồng 4.000m2; Giàng A Áng ở bản Giàng Lao Páng, xã Bản Mù với diện tích trồng 2.500m2... Các đối tượng trên đều bị bắt ngay tại lán trông coi nương thuốc phiện.

Trong đêm lạnh tê tái của vùng cao, kéo tấm chăn bông sát cổ, tôi cố động viên mình ngủ sớm để ngày mai lấy sức lên đường mà chẳng thể nào ngủ nổi. Cứ nuối tiếc là mình đã chậm chân, không theo được Đoàn 06, vì bám được đoàn sẽ tiếp cận an toàn và nhanh nhất với hoạt động phạm pháp này.

Kỳ 2: Tiếp cận loài cây độc