Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” được tổ chức sáng nay (14/10/2018), tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 6 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN ) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện.
Đột phá trong xuất khẩu nông sản Việt
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia “Khơi nguồn nông sản Việt”, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Trong 32 năm đổi mới đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản khác như: hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau quả, thực phẩm… Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang dần định hướng được thương hiệu, uy tín về chất lượng, sản lượng, giá trị có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc diễn đàn.
Đáng chú ý, đóng góp của mặt hàng nông sản vào xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng. Trong 4 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Dự báo năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng.
Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ của các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, VietHAP, GolobalGAP). Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, áp dụng chông nghệ cao, hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thảo luận 5 nhiệm vụ trọng tâm
Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, mặc dù nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Song trước tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng, tình trạng biến đổi khí hậu và khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Sản xuất nhỏ, tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng, kỹ thuật, quy hoạch, liên doanh, liên kết và doanh nghiệp trong nông thôn thấp…
Đây là những nguyên nhân chính khiến sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng cao, chưa đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia “Khơi nguồn nông sản Việt” là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 6.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Tiêu thụ nông sản là một trong những vấn đề được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo nhân dân quan tâm. Đây cũng là một trong những trăn trở của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian vừa qua và hiện nay. Vì vậy, tôi đề nghị các diễn giả, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp và các đại biểu Nông dân Việt Nam xuất sắc có mặt tại diễn đàn hôm nay tập trung thảo luận, trao đổi một số vấn đề cơ bản đó là:
Thứ nhất: Nhận diện về tình trạng tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam, bao gồm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, xuất khẩu thô và chế biến. Xu hướng và triển vọng của tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai: Cơ hội, thời cơ và những thách thức, khó khăn khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia, khu vực tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thứ ba: Để việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu về mặt chất lượng và giá cả thì cần có chính sách, cơ chế gì? Các chính sách, cơ chế hiện có đã đủ để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản nước ta tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.
Thứ tư: Tình hình xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay ra sao, ở mức độ nào và đã tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của sản xuất nông lâm ngư nghiệp và thủy sản của nước ta hay chưa? Để thúc đẩy gia tăng số lượng và chất lượng các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm thủy sản thì những giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới.
Thứ năm: Chính phủ, các bộ ngành, các hiệp hội trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro thách thức trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thời kỳ hội nhập…”