Những người nơi đầu sóng
Cho đến giờ, lịch sử phát triển của đất nước luôn dành một chỗ đứng vô cùng trân trọng cho những người nông dân trải qua nhiều thế hệ. Từ chàng Thánh Gióng ăn cơm gạo mẹ cha mà vụt đứng lên, nhổ tre đằng ngà đánh đuổi giặc ngoại xâm trong truyền thuyết cho đến Đinh Bộ Lĩnh lấy bông lau phất cờ khởi nghĩa; từ chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên Mông đến đoàn quân áo vải cờ đào của Quang Trung Nguyễn Huệ; từ chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đều có sự đóng góp, sự hy sinh vô cùng to lớn của người nông dân.
Cũng chính những người nông dân đã “đi tắt đón đầu”, khởi phát cho một quá trình vận động không ngừng nghỉ của nền kinh tế. Nếu không có “khoán chui” mà những người nông dân Vĩnh Phúc dám “xé rào” sau khi có được sự “bật mí” của lãnh đạo tỉnh, sẽ không có chủ trương khoán 10 làm đổi thay hoàn toàn diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam, sẽ không có những kỳ tích xuất khẩu nông sản sau này. Từ chỗ nhập khẩu lương thực, Việt Nam vươn lên đứng trong top những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi han, động viên 63 nông dân xuất sắc, ưu tú tham gia Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III sáng 14.10. Ảnh: L.Hiếu - Đ.Duy.
Tỏa sáng trên mọi mặt trận
Có thể nhận thấy rất rõ là, 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 đều là những nhân tố điển hình tiên tiến trên mọi mặt trận, từ phát minh sáng chế đến kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và trang trại; từ nuôi trồng thủy hải sản đến trồng trọt; từ chăn nuôi, làm trang trại đến xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong số những nông dân có những phát minh, sáng chế hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể kể đến anh Vương Hùng Nam ở xóm Thin Thượng, xã Ngọc Động, huyện Thông Nông, Cao Bằng với chiếc máy bóc lạc có tay quay và cải tiến máy thái thức ăn gia súc bằng gỗ có mô tơ. Hiện, máy tách vỏ lạc đã được người dân Cao Bằng sử dụng hiệu quả. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 80 chiếc, với giá thành từ 800.000 – 1.000.000 đồng/chiếc.
Các nông dân xuất sắc thăm nông trường Vineco sáng 13.10. Ảnh: TQ.
Hay anh Chương Văn Thủy ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cải tiến máy xẻ gỗ chạy bằng mô tơ điện với nhiều ưu điểm: không tốn nhiều chi phí, giảm sức lao động đồng thời tăng năng suất. Sáng kiến mang lại cho anh doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, anh Đinh Văn Giang, thôn 11, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nhờ chế tạo các loại máy nông nghiệp, anh có doanh thu 8 tỷ đồng.
Trong nhóm những nông dân kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và trang trại có thể kể đến những cái tên như ông Phan Văn Hòa ở xóm Đông Thành, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An sản xuất hạt lúa siêu nguyên chủng, sản xuất hạt lúa xác nhận 1; bao tiêu thu mua lúa, chế biến gạo, với doanh thu 84,550 tỷ đồng/năm; lợi nhuận 2,575 tỷ/năm. Ông Trương Thanh Khoan ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; chế phẩm tạo trầm hương cho cây trầm với doanh thu 900 triệu đồng/năm.
Nhóm trồng trọt có thể kể đến những cái tên như anh Lã Văn Bắc, thôn Vinh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trồng 16ha cam, sản lượng năm 2017 đạt 250 tấn với lợi nhuận 3,4 tỷ đồng. Hay anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trồng 4ha thanh long ruột đỏ, cũng là một trong những đầu tiên đưa thanh long sang EU.
Ngoài ra, trong số 63 nông dân cũng có những cái nhất như: Nông dân có diện tích sản xuất lớn nhất là ông Nguyễn Văn Khanh, tỉnh Đồng Tháp. Ông Khanh trồng lúa Nhật với diện tích 120ha. Nông dân có doanh thu lớn nhất là ông Phan Văn Hòa, tỉnh Nghệ An, với 84 tỷ đồng/năm. Nông dân có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là ông Tạ Văn Minh, tỉnh Tây Ninh, doanh thu 4,8 tỷ/năm, lợi nhuận 4,5 tỷ/năm.
Nông dân tạo nhiều việc làm nhất là ông Trương Thanh Mai, tỉnh Bạc Liêu. Ông Mai nuôi cá sấu tạo công ăn việc làm cho 100 lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.Nông dân làm từ thiện và đóng góp nhiều cho cộng đồng địa phương nhất là ông Huỳnh Thanh Bình đến từ Cần Thơ. Ông Bình sản xuất cá tra xuất khẩu theo chuỗi liên kết, mỗi năm đóng góp phúc lợi xã hội 89 triệu đồng.