Dân Việt

Những câu hỏi về dự án bảo tàng hơn 11.200 tỷ đồng

12/09/2012 06:58 GMT+7
(Dân Việt) - "Hiện nay chúng ta có hơn 120 bảo tàng mà có được mấy bảo tàng hấp dẫn, có đông khách? Số bảo tàng có đông khách đến thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Xung quanh việc Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia với tổng mức đầu tư 11.227 tỷ đồng, phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm tình hình kinh tế xã hội như hiện nay, việc xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) với mức đầu tư 11.227 tỷ đồng là chưa phù hợp, quan điểm của ông như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng câu chuyện nền kinh tế đất nước, bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước thì luôn luôn có khó khăn, đặt vấn đề lúc nào phồn vinh thì mới đầu tư xây dựng cho bảo tàng thì sẽ quá chậm. Đầu tư cho văn hóa cần đi trước một bước, tính đến sự lâu dài.

img
Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Không nên nhìn văn hóa hay bảo tàng chỉ như “bình hoa” làm đẹp xã hội. Mà bảo tàng nếu được xây và vận hành tốt, tổ chức nội dung cho có hiệu quả thì sẽ góp phần vào phát triển kinh tế đất nước thông qua việc phát triển nền công nghiệp không khói, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.

Vấn đề tôi quan tâm nhiều là làm thế nào để bảo tàng đó có nội dung dựa chính vào hiện vật, kể chuyện thực sự hấp dẫn. Mục tiêu là đạt được một bảo tàng hiện đại, thực sự hấp dẫn.

Nhiều người nói trông vào Bảo tàng Hà Nội hiện đang hầu như chưa có gì trưng bày và sử dụng cho thuê đám cưới, hội nghị hiện nay, họ càng không hiểu tại sao phải xây thêm một bảo tàng nữa ở Hà Nội để làm gì, sẽ có gì trưng bày trong đó?

- Cái mà giới khoa học lo lắng là chúng ta bắt tay vào chuẩn bị cho việc xây dựng nội dung để bảo tàng theo kịp với tiến độ xây dựng tòa nhà bảo tàng đó như thế nào.

Thứ nhất: Việc xây “vỏ” và chuẩn bị nội dung phải đi song song với nhau, xây vỏ và nội dung cùng phải chuẩn bị để xong thì có thể đưa vào trưng bày, đừng để như Bảo tàng Hà Nội, hoặc như Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Phú Yên… mới khánh thành, cũng xong vỏ nhưng lại đóng cửa để chuẩn bị nội dung, sau đó vài ba năm, có nơi 10 năm sau mới khánh thành nội dung. Đó là câu chuyện rất phổ biến hiện nay mà BTLSQG phải tránh được.

TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi nghi ngờ, buồn rầu, xót xa...

Mấy hôm nay, với tâm trạng là một người đọc báo bình thường tôi cảm thấy nghi ngờ, buồn rầu, xót xa với dự án xây mới một cái bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng trong thời điểm hoàn cảnh kinh tế xã hội đất nước như hiện nay. Người ta tính chuyện xây bảo tàng nhưng chỉ là xây phần “xác” thôi, còn phần lõi thì chưa có gì, hơn nữa, nhìn vào cái Bảo tàng Hà Nội xây hơn 2.300 tỷ đang để hoang như thế, làm sao thuyết phục được ai về việc cần thiết phải xây thêm một cái bảo tàng mới tốn kém khác nữa? Tôi cho đây là dấu vết của căn bệnh duy ý chí còn lại từ thời bao cấp, tức là làm thì cứ làm, còn chẳng tính tới chuyện hỏi ý kiến người dân, hỏi ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử, giáo dục. Tôi muốn hỏi tại sao phải làm vào thời điểm này, do ai làm và để ai xem, nó có được cái tích sự gì cho cuộc sống của con người hiện đại?

Với bảo tàng, trưng bày gì không quan trọng bằng cách trưng bày thế nào, phải không thưa ông?

- Đúng vậy. Đó là chuyện lớn nhất và quan trọng nhất. Tức là cần tạo ra được một bảo tàng thật sự hấp dẫn, ngoạn mục, đạt đến một trình độ của bảo tàng ở thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, tức là bảo tàng đảm bảo được tính hiện đại, áp dụng được khoa học kỹ thuật, công nghệ trưng bày tiên tiến nhất. Thông qua hiện vật, giúp người xem hiểu rõ được lịch sử đất nước.

Hệ thống bảo tàng của chúng ta, nhiều năm vừa rồi nặng về giáo dục chính trị tư tưởng, bảo tàng nặng về công tác tuyên truyền một cách đơn giản, không bám vào hiện vật. Bảo tàng theo đúng nghĩa là bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm.

Tôi lấy ví dụ, các bảo tàng rất muốn trưng bày thời 1.000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng… nhưng kể về lịch sử đấu tranh vĩ đại thế nào? Nếu cứ tiếp tục trưng bày bằng cách viết trên các pano, minh họa các câu chuyện bằng các bức họa, phù điêu thì có phải là bảo tàng không? Có hấp dẫn không?

Vậy thì những người làm bảo tàng bám vào hiện vật để trưng bày hay bám vào thông sử để tạo ra các minh họa khi không có hiện vật? Đó là cả một vấn đề. Bám vào sách giáo khoa tức là kể chuyện bằng các bài viết, pano, minh họa bằng tranh vẽ để “lấp liếm” sự thiếu vắng của các hiện vật, vậy chúng ta làm theo phương thức nào, đấy là một câu chuyện rất là lớn và quan trọng để suy nghĩ.

Thưa ông, được biết ông cũng tham gia vào Hội đồng khoa học tư vấn xây dựng BTLSQG, vậy trước khi xây dựng thì phương án trưng bày thế nào có được tính đến hay không?

- Nội dung trưng bày không thể chỉ làm trong vòng một vài năm được. Một bảo tàng như BTLSQG muốn có nội dung trưng bày tốt ít nhất phải chuẩn bị trong vòng 5-10 năm, đồng thời cần phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn nước ngoài.

Tôi cho rằng nhân lực trong giới bảo tàng và giới làm thiết kế nội thất trưng bày bảo tàng hiện nay ở nước ta chưa thể làm được một bảo tàng hàng ngàn tỷ mà hấp dẫn về mặt nội dung. Một mình ta làm, ở trình độ của giới bảo tàng hiện nay, trình độ của các nhà thiết kế nội thất hiện nay thì chắc chắn không thể tạo ra một bảo tàng hấp dẫn.

Vấn đề đặt ra là sẽ lựa chọn đội ngũ tư vấn nào mà họ hiểu được văn hóa VN, có tư duy phóng khoáng, sáng tạo. Có đội ngũ tư vấn tốt thì hy vọng sẽ có một bảo tàng hấp dẫn. Nhân đây cũng xin nói thêm, chúng ta không nên chạy theo các bảo tàng “khủng”, nhất là với các địa phương, các bảo tàng chuyên ngành.

Còn về mặt quốc gia, đã quyết tâm làm một bảo tàng lớn rồi thì phải tuân thủ những yêu cầu chất lượng để đảm bảo đạt được hiệu quả hấp dẫn. Hiện nay chúng ta có hơn 120 bảo tàng mà có được mấy bảo tàng hấp dẫn, có đông khách? Số bảo tàng có đông khách đến thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bỏ từng ấy tiền ra, hy vọng bảo tàng tương lai khách sẽ đến nườm nượp như ngày hội. Để đạt được hy vọng đó phải thay đổi hẳn tư duy làm bảo tàng như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Giám đốc ban Quản lý Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Vốn như thế là bình thường (!?)

Ngày 11.9, ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc ban Quản lý Dự án (giám đốc ban QLDA) đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã có cuộc trao đổi với phóng viên NTNN và một số báo khác về các vấn đề xung quanh dự án này. Trước câu hỏi “có ý kiến cho rằng chi phí đầu tư cho công trình này là quá lớn”, ông Nguyễn Quang Nam cho biết: Tổng mức đầu tư 11.277 tỷ đồng là bình thường về mặt quy mô so với các bảo tàng khác trên thế giới.

“Trước hết, bảo tàng không phải công trình xây lên rồi đập đi xây lại nên phải tính đến điều kiện lâu dài. Thứ hai, số lượng hiện vật của nước ta hiện nay hầu hết phải mang đi gửi do hạn chế về diện tích và điều kiện kỹ thuật” - ông Nam phân tích.

Về việc có cần thiết xây dựng công trình quy mô lớn như vậy vào thời điểm này, Giám đốc Ban QLDA cho rằng: Việc xây dựng là cần thiết nhưng không cấp thiết. Dự án được phê duyệt cũng không có nghĩa là phải xây ngay. Chúng ta không nên vì điều kiện khó khăn mà bàn về việc không xây, mà nên bàn kỹ để xây thế nào cho hiệu quả. Những phản hồi của người dân trên các báo vừa qua cũng cho thấy sự cần thiết phải có công trình này. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất để khi tiến hành khởi công, xây dựng sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là dự án có 4 hạng mục chính, xây dựng tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Hà Nội). Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2.

Nhận định về thời điểm khởi công công trình và quá trình xây dựng dự kiến kéo dài khoảng 5 năm, ông Nam cho biết: Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. Khi đã giải phóng mặt bằng mà để quá lâu không khởi công thì người dân chắc chắn sẽ có ý kiến. Thời gian xây dựng công trình không thể gấp rút bởi cách thức tổ chức, tiến trình thực hiện cần tính toán cụ thể, tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Thể hiện sự tâm huyết với dự án, ông Nguyễn Quang Nam cũng khẳng định: Không nên nói văn hóa tham quan bảo tàng của người Việt Nam là kém. Nếu bảo tàng được xây dựng tốt và có nội dung tốt thì sẽ thu hút đông đảo người dân, điển hình là cách làm như của Bảo tàng Dân tộc học hiện nay. Nếu hiện vật được trưng bày theo hướng hiện đại như nhiều nước trên thế giới hiện nay áp dụng sẽ làm tăng sức hấp dẫn sự hiểu biết đối với khách tham quan. Điều đó giúp bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là nơi nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là có sự giáo dục bổ ích cho trẻ em.