Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương giao Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện.
Tham dự Diễn đàn có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương...
Ông Trịnh Văn Tiến được Trung ương Hội NDVN bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, với mô hình nuôi các con đặc sản quy mô 23 ha, doanh thu 10,4 tỷ đồng, xây dựng được chuỗi cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình chia sẻ tại Diễn đàn.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ ba với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt", ông Tiến cho biết, các chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay đang có nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân như việc mở cửa cho tạm nhập, tái xuất; các chính sách quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm nghiệm chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
"Tham gia sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm nay, gia đình tôi luôn tin tưởng đường lối chủ trương của Đảng, từ những ngày đầu đi khai hoang phát triển kinh tế trang trại, trải qua nhiều khó khăn nay trang trại của tôi đã phát triển thành một HTX. Trong quá trình làm ăn, tôi đã đi tham quan, học tập, dự nhiều lớp tập huấn phát triển mô hình kinh tế tập thể. Nhờ những kiến thức đã học hỏi, hiện nay HTX chúng tôi đã thành lập được 5 doanh nghiệp thành viên, qua đó giúp bà con liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi hơn" - ông Tiến cho biết.
Bày tỏ quan điểm về sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Tiến chia sẻ: Nhiều người, trong đó có các nhà báo khi trò chuyện đều hỏi tôi HTX có doanh thu bao nhiêu, tôi cho rằng doanh thu lớn nhất của chúng tôi không phải là tiền, mà là sự chuyển biến nhận thức của các thành viên HTX và nông dân trong vùng về sản xuất, về việc cùng nhau liên kết làm ăn, chia sẻ lợi nhuận để phát triển bền vững hơn.
"Tuy nhiên, tôi nhận thấy có mấy vấn đề còn tồn tại như thế này. Đó là các điều kiện để sản xuất nông sản hàng hoá, dán nhãn sản phẩm hiện nay rất phức tạp, có tới mấy trăm điều kiện thì chúng tôi làm sao nhớ được. Điều chúng tôi quan tâm là cần làm những thủ tục gì để nông dân có thể đưa hàng hoá ra nước ngoài? Chúng tôi mong muốn những thủ tục này được cắt giảm thành một cửa thôi, nhiều cửa như hiện nay thì làm sao chúng tôi đủ tiền, đủ sức?
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, nhưng hầu hết nông dân không hiểu biết rõ vấn đề này, tái cơ cấu là tái cái gì, không có vốn thì tái cơ cấu làm sao? Thế chấp ngân hàng thì không có tài sản nên đành bó tay. Tôi nghĩ, ngoài tái cơ cấu ngành nông nghiệp, còn cần phải tái cơ cấu cả ngành ngân hàng, tái cơ cấu tiêu thụ, phân phối...
Thứ 3, quy hoạch cây trồng như thế nào cho phù hợp? Vùng này không nên trồng gì, nên trồng gì cũng đề nghị các cấp ban ngành chỉ rõ để nông sản làm ra tiêu thụ được thuận lợi, tránh dư thừa không bán được" - ông Tiến nói.
Trả lời những băn khoăn, thắc mắc của ông Trịnh Văn Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại hội nghị các Bộ trưởng nông nghiệp Asean vừa diên ra tại Hà Nội, hôm qua Bộ NN&PTNT đã mời các Bộ trưởng đi thăm mô hình xã xây dựng nông thôn mới tại Ninh Bình và các đại biểu đã có những đánh giá rất cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh trả lời băn khoăn, thắc mắc của ông Trịnh Văn Tiến.
Còn về việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, ông Doanh cho biết những năm gần đây lĩnh vực này của chúng ta liên tục tăng trưởng, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 37 tỷ USD, năm nay chỉ tiêu là 40 tỷ USD và chúng ta đang phấn đấu có thể tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần rất nhiều giải pháp khác nhau liên quan tới nhiều bộ ngành.
Về các thủ tục dán nhãn sản phẩm nông sản để có thể đưa ra thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NM&PTNT đã cắt giảm rất nhiều thủ tục, giấy phép con để việc xuất khẩu nông sản thông thoáng hơn.
"Về tái cơ cấu, đây là chủ trương lớn đã thực hiện được 5 năm rồi, Bộ NN&PTNT sẽ sớm có tổ chức đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được trong 5 năm qua để có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Vấn đề này, riêng Bộ NN&PTNT không làm được mà cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ban ngành khác" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Thực tế cho thấy, việc triển khai tái cơ cấu trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Có thể thấy rõ trong ngành gạo, đến nay đã có trên 80% sản lượng lúa gạo làm ra đạt chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo năm vừa qua tăng 3%, trong khi sản lượng cũng tăng gần 10%. Chất lượng gạo và giá gạo xuất khẩu của chúng ta hiện không thua kém gì gạo của Thái Lan. Đây là hiệu quả rõ rệt của tái cơ cấu, trong đó người nông dân được hưởng lợi rất nhiều.
"Hiện nay Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo phát triển nông sản theo lợi thế quốc gia, lợi thế vùng và lợi thế của tỉnh. Điều quan trọng nhất trong quá trình đẩy mạnh tổ chức tái cơ cấu, đó là không thể làm ăn rêng lẻ mà phải có liên kết, áp dụng khoa học công nghệ. Chỉ có như vậy mới nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản cũng như thu nhập của người nông dân" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.