Hiện nay Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: T.H
Phó Thủ tướng cũng cho biết, năm 2018 chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa của ngành nông nghiệp, đó là lần đầu tiên tổ chức hội nghị gạo thế giới. Nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta được mùa, sản lượng cao nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá.
Sự kiện nữa là Bộ Nông nghiệp Mỹ đang làm thủ tục công nhận thủ tục về cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Phía họ đã kiểm tra thực địa và đánh giá chúng ta sản xuất cá tra rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành thủ tục về cá tra. Vừa rồi, thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải. Đó là những thông tin rất tích cực.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của chúng ta.
Nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt, thị trường ở đây không phải là chợ trong nước mà cho 7 tỷ người trên thế giới, do đó vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng dịa phương…, gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu.
"Bây giờ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẵn sàng đồng hành, đi chợ cùng người nông dân bằng việc hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.