Đây là con số vừa được đưa ra trong “Báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019” của Kiểm toán Nhà nước.
Dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng (gần 9,5 tỷ USD).
Kiểm toán Nhà nước dẫn lại dự thảo báo cáo của Chính phủ cho thấy, dự toán thu ngân sách năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội là 1,1411 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018.
Trong số trên, thu nội địa là khoảng 1.173,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,2% dự toán thu NSNN, tăng 12,8% so với ước thực hiện 2018.
Tuy nhiên, vấn đề được Kiểm toán Nhà nước nêu lên là một số bộ, ngành, địa phương lập dự toán thu thấp hơn so với mức phấn đấu của Chính phủ, lập dự toán thu chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ví dụ như: Bến Tre, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Thanh Hóa, Kon Tum.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét và rà soát lại các khoản thu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Với dự toán thu từ dầu thô năm 2019 là 44.600 tỷ, mức thu này giảm 10.400 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2018. Mức này được tính trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 10,43 triệu tấn, giảm 1,33 triệu tấn và giá dự kiến 65USD/thùng.
Về thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, số thu này dự kiến là 189.200 tỷ đồng, bằng số ước thực hiện năm 2018 (189.000 tỷ đồng).
Từ đó, dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm sau là 222.000 tỷ đồng, ), tương ứng 3,6%GDP. Tỷ lệ này thấp hơn năm 2017 (3,7%) mặc dù vậy, số bội chi tuyệt đối vẫn tăng khoảng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2018.
Theo kế hoạch, chi trả nợ lãi năm 2019 là 124.800 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi, tăng 12.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2018. Điều này theo đánh giá gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.