Bức tranh trước khi được chủ nhân đề nghị ca sĩ ký tên.
Để rộng đường dư luận, cũng là để công chúng có thêm thông tin về quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm nghệ thuật, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Vũ Tuấn xung quanh vấn đề này:
Thưa ông, trên phương diện pháp luật về sở hữu trí tuệ, liệu rằng có hay không có sự xâm phạm tác phẩm, xâm phạm về quyền tác giả của họa sĩ khi các ca sĩ thực hiện hành vi ký tên trên bức tranh?
- Theo pháp luật, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản (Điều 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
Hành vi ký tên trên bức tranh của những ca sĩ này có khả năng xâm phạm về quyền nhân thân của tác giả, cụ thể là xâm phạm về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tại Khoản 3, Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả.”
Khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Vậy Luật sư có thể chỉ rõ hơn về các hành vi này?
- Thứ nhất, hành vi xâm phạm tồn tại khi có người thực hiện hành vi nhằm thay đổi “nội dung” tác phẩm (ý tưởng, thiết kế) mà tác giả mong muốn định hình từ ban đầu. Hành vi xâm phạm không căn cứ vào việc một cá nhân tác động về mặt vật lý lên các phiên bản của tác phẩm (bản gốc hay bản sao).
Cần hiểu rõ, cho dù có quy chụp hành vi ký tên là hành vi xâm phạm thì cái mà những ca sĩ này xâm phạm là phiên bản thể hiện của tác phẩm (bản gốc của tác phẩm) chứ không phải hình thức, nội dung sáng tạo ban đầu của tác giả (tác phẩm).
Thứ hai, pháp luật không quy định rõ thế nào là hành vi “sửa chữa”, “cắt xén” hoặc “xuyên tạc”. Theo ngôn ngữ Tiếng Việt, “sửa chữa” là “sửa những hư hỏng, sai sót”; “cắt xén” là “cắt bỏ bớt một phần” và “xuyên tạc” là “bóp méo làm sai sự thật với dụng ý xấu”. Do đó, theo định nghĩa của tiếng Việt, hành vi ký tên trên tác phẩm chưa thể là hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm khi chưa có chứng cứ về việc gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Thứ ba, tới thời điểm hiện tại, chính tác giả - họa sĩ vẽ nên bức tranh chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về hành vi này. Không có căn cứ cho thấy họ được phép hay không được phép thực hiện hành vi, cũng như không có căn cứ cho thấy hành vi này có thật sự gây tổn hại đến danh dự hay uy tín của tác giả, họa sĩ này hay không.
Như đã đề cập ở trên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền nhân thân của chính tác giả, quyền này có bị xâm phạm hay không căn cứ trên sự thỏa thuận, căn cứ trên sự cho phép của tác giả.
Ngoài ra, những ca sĩ này có hành vi như vậy không xuất phát từ ý chí chủ quan ban đầu của họ, mà họ thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu tác phẩm.
Nếu xét về hành vi xâm phạm quyền của tác giả thì phải dựa vào căn cứ nguồn gốc của hành vi nêu trên. Người xâm phạm chưa hẳn là những ca sĩ, người xâm phạm là người đưa ra ý tưởng đề xuất kêu gọi những người nghệ sĩ thực hiện hành vi này.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư.