Ngày 16.10, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho hay, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp với ngành thuế để thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng phối hợp cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài có sử dụng các thiết bị thanh toán điện tử trái phép, bất hợp pháp, kịp thời phát hiện các sai phạm về thanh toán ngoại tệ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, UBND yêu cầu, Công an thành phố và các quận huyện tích cực hỗ trợ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế của doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế, phối hợp điều tra xử lý đối với các tổ chức cá nhân có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
UBND TP.Đà Nẵng còn yêu cầu Sở Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, lưu trữ đầy đủ các chứng từ thủ tục về hoạt động kinh doanh lữ hành để sớm phát hiện các sai phạm; hỗ trợ cơ quan thuế khai thác phát hiện vi phạm thông qua các hồ sơ, chứng từ lưu trữ tại doanh nghiệp, làm đầu mối phối hợp giữa các ngành du lịch, công an, quản lý thị trường, ngân hàng, thuế trong việc quản lý đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là du lịch giá rẻ.
Du lịch Đà Nẵng tăng trưởng nhanh nhưng thu thuế không tương xứng. Ảnh: Đình Thiên
Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước chuyên ngành và tích cực, chủ động phối hợp cùng ngành thuế thực hiện các kế hoạch chi tiết về công tác phối hợp chống thất thu thuế đối với từng lĩnh vực, địa bàn. Trong đó, trọng tâm là cung cấp thông tin, tích cực hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện hiệu quả Đề án chống thất thu thuế, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian đến.
Vừa qua, theo đánh giá của nhiều cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng, mức tăng trưởng ngành du lịch của thành phố rất nhanh nhưng việc thu thuế từ ngành này không tương xứng. Ở đây có nhiều nghi vấn về việc các tour du lịch giá rẻ sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện tử trái phép gây thất thu thuế.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho hay, phương thức giao dịch ví điện tử (VIMO), thanh toán trực tuyến là xu thế trên thế giới hiện nay. Các hãng lớn trên thế giới đã áp dụng phổ biến hình thức thanh toán này.
Một số nước Đông Nam Á như Malaysia cho phép WeChat Pay hay Alipay (của Alibaba, Trung Quốc) hoạt động hợp pháp. Ở Việt Nam, nếu giao dịch thông qua VIMO thì việc thanh toán bằng WeChat Pay vẫn hợp pháp.
Đà Nẵng phấn đầu đưa ngành du lịch thành ngành mũi nhòn và có thương hiệu quốc tế. Ảnh: Đình Thiên
“Khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam dùng hình thức thanh toán điện tử có thể xảy ra 2 trường hợp: Một là, thanh toán thông qua đơn vị thanh toán điện tử của Việt Nam. Ví dụ, người dùng Trung Quốc sử dụng công cụ thanh toán WeChat Pay của Trung Quốc và thanh toán qua đơn vị thanh toán VIMO của Việt Nam, đây là thanh toán hợp pháp.
Trường hợp thứ hai, du khách Trung Quốc và cả người bán Việt Nam đều sử dụng WeChat Pay để xác thực việc mua và bán. Đây là hành vi bất hợp pháp và Nhà nước không thu được thuế do tiền Việt Nam không được sử dụng”, ông Phong cho hay.
Theo Phòng An ninh kinh tế, Công an Đà Nẵng, qua công tác điều tra, mặc dù Đà Nẵng chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến khách du lịch sử dụng máy tính tiền bất hợp pháp, nhưng đơn vị này khuyến cáo, với một lượng khách du lịch tăng trưởng ngày càng đông, việc tăng cường công tác quản lý hoạt động thanh toán trong mua bán là cần thiết.