Theo qui định của pháp luật, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc mà phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động.
“Điều 103. Tiền thưởng 1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. 2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.” |
Như vậy, tiền thưởng tết Nguyên đán sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp thông qua Quy chế khen, thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc và có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Trên thực tế, một số hình thức thưởng Tết mà các doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện đó là: Thưởng theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Thưởng theo kết quả công việc của người lao động; Thưởng lương tháng 13 theo xếp loại công việc/phòng ban hoặc theo mức lương thực nhận mỗi tháng.
Ngoài ra, thâm niên công tác tại doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để xác định thưởng Tết. Các doanh nghiệp cũng có thể kết hợp nhiều yếu tố nói trên để xác định mức thưởng Tết cho người lao động của mình.
Thưởng Tết là một khoản tiền mà tất cả người lao động đều rất mong đợi từ doanh nghiệp của mình
Trong những dịp Tết năm trước, do nhiều lý do, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng những hình thức thưởng Tết độc và “không giống ai” như thưởng bình gas, thưởng giấy vệ sinh (sản phẩm của công ty), thưởng gói mì chính hay mì tôm…
Bên cạnh đó, người lao động cũng sẽ được hưởng các quyền lợi khác vào dịp Tết theo qui định của pháp luật.
Làm thêm vào ngày Tết
Điểm c khoản 1 Điều 97 Bộ luật trên quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.
Như vậy, nếu người lao động làm thêm giờ trong dịp Tết Âm lịch sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.
Làm thêm vào ban đêm Tết Âm lịch
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường; Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Hưởng nguyên lương
Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ, Tết Dương lịch (1/1), Tết Âm lịch là hai dịp mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Cụ thể, Tết Âm lịch 2019, NLĐ làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Chủ nhật hằng tuần) sẽ được nghỉ 06 ngày liên tục.
Còn NLĐ làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần) sẽ được nghỉ 09 ngày liên tục
Tình hình thưởng Tết năm ngoái (Mậu Tuất 2018)
Đối với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân là 1,151 triệu đồng/người, tăng 0,4% so với năm 2017. Người có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Tp.HCM là 1,5 tỷ đồng. Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất là 30.000 đồng/người, tại doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoại tại các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình và Bình Dương.
Còn đối với Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 1 tháng lương, tương đương với 5,527 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2017. Người có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại doanh nghiệp dân doanh ở Tp.HCM là 855 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 20.000 đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện đã bước sang quý cuối cùng của năm 2018, hầu hết người lao động cả nước đều đang hồi hộp chờ đợi quyết định thưởng Tết Dương lịch và kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2019. Tình hình thưởng Tết năm nay sẽ có biến động như thế nào?
Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã có thưởng Tết Âm lịch năm 2018 cho người lao động.