Dân Việt

Mạo hiểm đến điên rồ nếu kết hôn chỉ vì tình yêu

Nếu bạn lấy chồng vì anh ta có ngôi nhà đẹp, bạn sẽ có chỗ ăn ở đàng hoàng thì sao bạn lại ca thán vì anh ta không có tâm hồn lãng mạn như nhà thơ nọ? Khác gì mua cái tủ lạnh nhưng sau lại buồn vì không cho đĩa hát vào đó mở nhạc nghe được.

Ai cũng biết muốn có hôn nhân hạnh phúc trước hết phải có tình yêu nên từ đó người ta dễ tin rằng cứ có tình yêu sẽ có hôn nhân hạnh phúc. Nhưng mới đây, nhà nghiên cứu tâm lý gia đình người Mỹ, Peter Hector trong cuốn sách nổi tiếng “Love is no guarantee” khẳng định tình yêu không phải là đảm bảo, trái lại nó còn là mạo hiểm nếu chúng ta kết hôn chỉ vì tình yêu.

Ở thời đại chúng ta, chẳng ai bắt được người này phải kết hôn với người kia, trừ khi chính họ muốn. Nói khác đi, hầu hết các cuộc hôn nhân ngày nay đều bắt đầu bởi tình yêu. Nhưng trong mấy thập kỷ gần đây, những cuộc hôn nhân vì tình yêu đổ vỡ hàng loạt trên phạm vi toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào giảm bớt nhịp độ thất bại trong hôn nhân và cái gì là nguyên nhân của những thất bại đó?

img

"Hóa chất yêu" khiến chúng ta có những lúc điên điên vì nhau. Ảnh minh họa

Phải chăng chính là do chúng ta thường tin rằng một khi hai người đã yêu nhau thì sẽ sống với nhau hạnh phúc cả đời. Nhưng nhà nhân chủng học Helen Fisher lưu ý rằng khi người ta yêu nhau say đắm, não bộ của họ sản sinh một thứ “hoá chất yêu” (phenylethylamin) gây ra sự gắn kết các đôi trai gái cũng như con đực và con cái ở các loài động vật.

Theo bà, thiên nhiên đã tạo ra sự gắn kết các đôi và duy trì tình trạng đó một cách đầy đủ cho đến khi sự thụ thai được hoàn thành để duy trì nòi giống, còn quá trình chung sống sau này tạo hoá không “lập trình” sẵn mà do chúng ta muốn như vậy. Vì thế, sau một thời gian chung sống, "hoá chất yêu” giảm đi rất nhanh, tình yêu phai nhạt và sức kết dính giữa hai người suy giảm rõ rệt. Fisher cho rằng sự giảm thiểu của hóa chất này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tan vỡ của những mối quan hệ dựa trên tình yêu.

Từ trước đến nay, nhiều trí tuệ lớn của loài người đều cho rằng muốn có ngôi nhà hạnh phúc phải xây dựng trên nền móng tình yêu. Nhưng tình yêu không phải là cái gì bất biến. Khi bạn cảm thấy bị cuốn hút bởi ngư­ời nào đó, thậm chí bạn tin chắc đã tìm thấy “nửa kia” của mình, bạn vẫn cần phải biết rằng, cái sức cuốn hút ấy một ngày nào đó sẽ suy giảm. Bạn cũng phải biết rằng con người ấy sẽ đổi thay, có khi chính bạn cũng thay đổi mà đừng ảo tưởng rằng họ cứ “hoàn hảo” mãi.

Chẳng hạn, một chàng trai nọ yêu một cô gái cùng cơ quan, nghĩa là trong môi trường làm việc của anh ta. Khi đó sức cuốn hút của cô gái đối với anh ta không phải là nhan sắc – cô ta đâu phải người nhan sắc – cũng không phải là tài nội trợ hay cách lo toan, tổ chức một gia đình - đã sống với nhau đâu mà biết. Điều hấp dẫn anh ta là sự vững vàng của cô ấy trong chuyên môn, là sự cộng tác trong công việc của hai người tỏ ra rất ăn ý, là những lúc bên nhau, họ cùng có tâm hồn đồng điệu.

img

Hôn nhân không phải cái nôi nuôi dưỡng tình yêu. Ảnh minh họa

Tất cả những điều đó khiến anh ta đinh ninh rằng ta sẽ sống hạnh phúc với người đàn bà này suốt cả cuộc đời và anh ta không ngần ngại kết hôn. Nhưng sau khi kết hôn ít lâu anh ta hoàn toàn thất vọng.

Theo Peter Hector, điều quan trọng nữa khiến hôn nhân đổ vỡ là tính mục đích của nó. Đã bao giờ bạn nghĩ, ta kết hôn để làm gì? Nếu chỉ để yêu thì có thể không cần phải kết hôn vẫn yêu nhau được. Nếu bạn hay giao tiếp và muốn có cô vợ xinh đẹp để hãnh diện với mọi người thì sao bạn lại chê cô ấy không được thông minh sắc sảo như cô phóng viên kia chẳng hạn?

Nếu bạn lấy chồng vì anh ta có ngôi nhà đẹp, bạn sẽ có chỗ ăn ở đàng hoàng thì sao bạn lại ca thán vì anh ta không có tâm hồn lãng mạn như nhà thơ nọ? Khác gì mua cái tủ lạnh nhưng sau lại buồn vì không cho đĩa hát vào đó mở nhạc nghe được. Có người mua cái mũ để đội đầu nhưng lại than phiền vì nó không dùng được để cắm hoa. Vậy mà những chuyện nực cười như thế vẫn thường xảy ra trong hôn nhân, khiến người ta thất vọng.

Hôn nhân không phải là cái nôi để nuôi dưỡng tình yêu, bởi vì đó không phải là mục đích của nó. Hôn nhân còn là nơi để chúng ta thực hiện các nghĩa vụ làm người. Cho nên đời sống gia đình là một sự lao động vất vả chứ không lãng mạn như tình yêu.

Không chỉ lao động chân tay như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa mà trước hết là lao động của hệ thần kinh khi ta cảm thấy có lúc như không tự kiềm chế nổi mình nữa, là lao động của sự giao tiếp khi chung sống với một người khác đâu phải dễ dàng, là lao động của sự tha thứ khi ta muốn trừng phạt bạn đời.

Những loại lao động này đôi khi đòi hỏi ta phải nỗ lực hơn cả ở nơi làm việc, vì ở đó các nỗ lực của ta có mục tiêu cụ thể và thường được khuyến khích, trong khi lao động gia đình thường phải âm thầm chịu đựng mà không được ai ghi nhận.

Peter Hector không nói những điều trên mây dưới gió mà ông đã trải nghiệm từ chính cuộc đời mình. Ông từng đã hai lần kết hôn vì tình yêu và đều kết thúc bằng ly dị. Từ đó ông rút ra, tình yêu không đảm bảo hôn nhân hạnh phúc mà chỉ có sự nỡ lực cả hai cùng điều chỉnh để đi đến chỗ hòa hợp mới đem lại hạnh phúc lâu bền.

”Nhu cầu” của bạn gái quá cao khiến tôi ngần ngại kết hôn

Chưa kết hôn tôi đã sức cùng lực kiệt, tôi sợ kết hôn rồi cũng chẳng được dài lâu.