Dân Việt

Đáng lo ngại tình trạng tội phạm dùng súng, vũ khí “nóng” gây án

Nguyễn Hòa 17/10/2018 06:11 GMT+7
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sử dụng vật liệu nổ, vũ khí “nóng” để trộm, cướp tài sản hoặc chống người thi hành công vụ. Đáng chú ý, hành động của các đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện hành vi phạm tội. Tình trạng này làm dấy lên sự lo ngại về tình hình an ninh trật tự.

Hành động liều lĩnh

Rạng sáng ngày 13.10, một vụ nổ lớn xảy ra ở khu vực nhà bếp, nhà tắm của ông Trần Xuân Lục – Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Thời điểm xảy ra sự việc, ông Lục đi công tác, những người còn lại trong gia đình đang ngủ ở nhà trên nên không có ai bị thương. Hiện nguyên nhân vụ việc vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

img

  Đối tượng táo tợn đi ô tô, dùng súng cướp tiệm vàng ở Sơn La. (Ảnh: I.T)

Cũng ngày 13.10, ở tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra vụ việc một cây ATM bị gài mìn khiến người dân vô cùng hoang mang. Cụ thể, sáng 13.10, khi nhân viên của Ngân hàng SHB chi nhánh Uông Bí đến mở két, nạp tiền vào 2 cây ATM  số 7 và 8 trên địa bàn thì phát hiện trong cây ATM số 7 có một số thỏi hình trụ dài khoảng 20cm nghi là thuốc nổ.

Lực lượng chức năng đã vào cuộc, phát hiện 10 quả mìn có nối dây trực tiếp với nhau, đã ở chế độ chờ kích nổ. Nhà chức trách nhận định nhiều khả năng đây là một vụ phá hoại tài sản hoặc gây sát thương cho người, việc cướp tiền khó xảy ra vì khi mìn nổ, tiền cũng sẽ nát vụn.

Trước đó, vào ngày 1.10, vụ “ôm bom cố thủ” xảy ra tại Nghệ An cũng khiến dư luận địa phương xôn xao về sự liều lĩnh của đối tượng gây án. Theo đó, để chống đối Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp của Công an TP.Vinh (Nghệ An) với mình, Lê Ngọc Sơn (SN 1985, ở số nhà 128 đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) đã cùng Hoàng Ngọc Sinh (bạn Sơn) chống đối, mỗi người cầm trên tay 1 quả lựu đạn đe dọa, cản trở tổ công tác và cố thủ trong nhà của đối tượng. Vụ việc sau đó đã được lực lượng chức năng xử lý ổn thỏa, các đối tượng đã bị bắt giữ, tuy nhiên vụ việc cũng gây chấn động với không ít người.

Thực tế, ngoài các vụ việc liên quan đến mìn, vật liệu nổ, việc các đối tượng dùng súng, vũ khí “nóng” cướp tiệm vàng cũng xảy ra khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Gần đây nhất, vào tối 20.9, 3 đối tượng trên đi ô tô đến cửa hàng vàng bạc Trường Ký (đường Chu Văn Thịnh, phường Chiềng Lề, TP.Sơn La, Sơn La), khống chế chủ tiệm vàng để cướp tài sản, tuy nhiên 3 đối tượng đã bị bắt sau đó. Cơ quan công an thu được khẩu súng các đối tượng dùng làm hung khí đe dọa chủ tiệm để thực hiện hành vi cướp tài sản.

Mua bán quá dễ dàng

Có thể thấy, liên tiếp trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc hình 

Để hạn chế dẫn tới ngăn chặn việc sử dụng vũ khí “nóng”, vật liệu nổ trái phép, bên cạnh việc xử nghiêm các đối tượng gây án, cần phải siết chặt công tác quản lý trong hoạt động sử dụng, mua bán vũ khí nóng, vật liệu nổ; tuyên truyền, giáo dục tới người dân; bồi dưỡng, giáo dục, quản lý con người”, Tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan.

sự liên quan đến sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ có tính chất nghiêm trọng khiến người dân thực sự bất an. Vấn đề đặt ra là tại sao các đối tượng lại có thể dễ dàng sở hữu súng, mìn, vũ khí “nóng” như vậy?

Về mặt lý thuyết, pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, vận chuyển hay tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Ngoài lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ (được sử dụng trong từng tình huống cụ thể), các đơn vị, tổ chức muốn sử dụng "mặt hàng" đặc biệt này với mục đích chính đáng, được pháp luật cho phép với những quy định hết sức ngặt nghèo.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi ngoài xã hội, thậm chí được lén lút mua bán trên "thị trường ngầm". Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng do bọn tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ làm công cụ gây án.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá - tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Thứ nhất, do công tác quản lý về các loại phương tiện, vũ khí này quá lỏng lẻo nên các đối tượng có thể dễ dàng trao đổi, mua bán, sử dụng những loại vũ khí.

Thứ hai, các hoạt động mua bán vũ khí, vật liệu nổ, hàng “nóng”, đặc biệt là mua bán qua mạng quá dễ, các đối tượng đảm bảo được độ an toàn, không phải gặp gỡ trực tiếp nên rất khó để giám sát.

“Cuối cùng, do tác động của phim ảnh, những trò chơi mang tính chất bạo lực trên internet đã ám ảnh trong tâm trí một số đối tượng”- Thượng tá Hà Thị Hồng Lan nhìn nhận.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm đánh giá, Việt Nam có chế tài quản lý vũ khí, tuy nhiên những phương tiện thô sơ (kiếm, đao…) chưa được đưa vào danh mục xử lý hình sự, chỉ ở mức độ xử lý hành chính, nên chưa có tính răn đe nghiêm khắc. Vì vậy nhiều đối tượng hình sự sẵn sàng lợi dụng quy định để vi phạm pháp luật.