Sau trận chung kết Cup quốc gia Sư tử trắng 2018 kết thúc, đội vô địch là Becamex Bình Dương, nhưng cái tên được nhắc đến nhiều nhất lại là thủ môn Bùi Tiến Dũng bên phía FLC Thanh Hóa. Vậy đâu là lý do và tại sao lại như vậy? Dễ hiểu thôi, vì người hùng của U23 Việt Nam mắc hai sai lầm nghiêm trọng trong một trận đấu quan trọng. Nhưng chính nhờ vậy, người viết mới hiểu được bản tính khó đổi nhưng đầy ích kỷ của phần đông cư dân mạng Việt Nam.
Thủ thành Bùi Tiến Dũng.
Trước tiên, hãy quay lại kỳ ASIAD vừa rồi. Trước khi giải đấu diễn ra, khi mà Đặng Văn Lâm vẫn còn có tên trong danh sách sơ bộ của đội Olympic, đa số khán giả đều nghĩ thủ môn Việt Kiều này sẽ bắt chính cho đội tuyển, ngay cả người viết cũng vậy. Nhưng không, HLV Park Hang-Seo tiếp tục trao niềm tin cho Bùi Tiến Dũng và loại thủ môn thuộc biên chế của Hải Phòng.
Nhiều người cho rằng HLV người Hàn đã dành quá nhiều ưu ái cho cậu học trò cưng của mình. Họ bắt đầu có những nghi ngờ đối với cả hai người mà chỉ vài tháng trước thôi, họ còn coi là những người anh hùng của dân tộc, đặc biệt là Bùi Tiến Dũng. Những lời lẽ gièm pha hướng về thủ môn người Thanh Hóa ngày càng nhiều. Họ cho rằng anh chỉ đáng để đóng quảng cáo, làm người mẫu,… thôi, và tài năng cũng chỉ là nhất thời. Trước một giải đấu lớn, vị trí thủ môn – vị trí đảm nhận 50% sức mạnh của đội bóng – lại bị chỉ trích nhiều đến như vậy. Đáng buồn thay, những lời lẽ đó lại đến từ chính những con người Việt Nam, những người vẫn luôn tự hào với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết sâu sắc.
Cái điều mà có lẽ nhiều người lo lắng nhất trước giải đấu, không phải liệu Olympic Việt Nam có vượt qua vòng bảng hay không, có vượt qua được chính mình sau chiến tích U23 quá vang dội kia hay không, mà đó là liệu Bùi Tiến Dũng có vượt qua được cái áp lực không đáng có này hay không. Rất may, Tiến Dũng đã làm được điều đó và lại một lần nữa đóng vai người hùng của Olympic Việt Nam. Không còn là Tiến Dũng đầy ngẫu hứng với những pha cản phá penalty như hồi đầu năm nữa, thay vào là một Tiến Dũng chắc chắn với đỉnh điểm chính là pha cản phá bằng chân khó tin của anh trong trận tứ kết gặp Olympic Bahrain, giúp Olympic Việt Nam lọt vào bán kết với thành tích giữ sạch lưới. Và người viết chắc chắn rằng, những con người mà chỉ vài tuần trước thôi vẫn còn ra sức chỉ trích thủ môn người Thanh Hóa nay cũng phải xuống đường ăn mừng chiến tích lịch sử của Olympic Việt Nam. Đạp lên dư luận, Bùi Tiến Dũng lại một lần nữa tỏa sáng và đó chính là bản lĩnh hiếm có của một cầu thủ trẻ.
Xét theo một phương diện nhất định, có lẽ nhiều người dùng mạng xã hội vẫn chưa hiểu việc phán xét đến một ai đó, dẫu không phải là vấn đề quá lớn, nhưng nó lại có thể trở nên nghiêm trọng đến mức nào đối với người bị phán xét. Đã có biết bao cầu thủ không vượt qua được cái mác ‘thần đồng’, vì không thể chịu nổi áp lực, mà nguyên nhân lớn nhất đó chính là những lời “phân tích” mang tính ác ý của một bộ phận người hâm mộ, những người tung hô họ nhiều nhất khi giành chiến thắng, nhưng cũng là những người chỉ trích họ nặng nề nhất khi họ mắc sai lầm.
Lấy ngay ví dụ ở giải Ngoại hạng Anh cũng như đội tuyển Anh, đã có biết bao lớp cầu thủ đã chạm tới mức tuổi 30, nhưng không thể vượt qua cái mác “thần đồng” như truyền thông và người hâm mộ ở Anh đã từng thổi phồng. Điển hình trong số đó là những Theo Walcott, Jack Wilshere. Hai cầu thủ đều đã lần lượt đón sinh nhật lần thứ 28 và 29, nhưng vẫn không thể trở thành một ngôi sao lớn và phải lần lượt từ Arsenal sang những đội bóng nhỏ hơn như Bournemouth và Everton. Liệu Tiến Dũng có thể rút ra được gì từ những bài học đau đớn của hai cầu thủ trên?
Nên nhớ, họ cũng chỉ là những cầu thủ trẻ, và việc buông những lời lẽ nặng nề như thế trước những sai lầm của họ chẳng khác gì việc bạn đang ép một đứa học sinh lớp 10 phải giải đúng hết những bài tập trong đề thi đại học vậy. Cầu thủ trưởng thành từ những sai lầm và chỉ trích, nhưng những lời chỉ trích như thế, những lời lẽ mang tính “đá xéo” hơn là một phản biện chỉn chu, có vẻ như đi quá xa rồi…
Hôm nay, Tiến Dũng đã mắc sai lầm trong một trận chung kết. Nhưng ngày mai, anh vẫn sẽ phải đứng lên và đi tiếp. Mọi người có thể chê bai anh, nhưng xin đừng buông những lời lẽ không hay, những từ ngữ xúc phạm. Hãy suy nghĩ tích cực hơn nếu không muốn Việt Nam sẽ mất thêm nhiều tài năng nữa, chỉ sau những cú “gõ phím”.