Dân Việt

Tắc kiểm dịch vì Cục Thú y "gây sự", doanh nghiệp mất 850 triệu đồng

B.A 18/10/2018 11:32 GMT+7
Ngày 17/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tư pháp về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Tại cuộc kiểm tra này, một câu chuyện kiểm dịch của ngành thú y đã được nêu ra từ phía Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Góp ý về các điều kiện kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký hiệp hội, đánh giá Bộ đã có những chuyển biến trong rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song ông cho biết hai 2 tháng qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản khá bức xúc liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa.

img

Chế biến cá ngừ xuất khẩu.

Theo ông Nam, trên thế giới hiện có 3 công ty lớn khai thác cá đại dương đăng ký với các tổ chức quốc tế kiểm soát. Các công ty này có văn phòng đại diện ở 10 -15 quốc gia, có đội tàu lớn. Doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước chưa tới 10%. Nhập khẩu cá dưới 2 hình thức: tàu trung chuyển thu gom của 3 công ty, lấy cá từ các tàu khai thác chuyển sang cho Việt Nam, mà trên tàu khai thác thì không thể có nhãn mác.

Câu chuyện cũng bắt đầu từ chiếc nhãn. Cục Thú y giữ hàng ngoài cảng không cho kiểm dịch. Lý do ngưng kiểm dịch là hàng không có nhãn. Việc hàng ách tắc tại cảng không được kiểm dịch, theo ông Nam, đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Sơ bộ 3 đơn vị nhập cá tàu thiệt hại khoảng 600 triệu đồng, trong đó có một doanh nghiệp thiệt hại 250 triệu đồng.

Nhưng ông Nam cho rằng điều vô lý là cơ quan quản lý đòi doanh nghiệp nhập khẩu cá phải cung cấp chứng thư kiểm dịch, loại giấy mà thông lệ quốc tế chưa bao giờ có. Ngày 15/10, Cục Thú y ra văn bản đồng ý kiểm dịch từ ngày 16/10. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp bị thiệt hại đang muốn kiện hành chính vì thông báo ngừng kiểm dịch của các cơ quan trên không có thời gian chuyển tiếp và không dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Qua sự việc này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, không có điểm tựa pháp lý đủ mạnh, đang tồn tại "bất ổn trong thực thi chính sách", ảnh hưởng thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp khá lớn.