Nắm uy quyền tối cao trong thiên hạ, có thể ban phúc giáng họa cho mọi người, những tưởng có thể muốn gì được nấy, thế nhưng có một số vị vua không có được người đẹp mà mình yêu thích vì bị từ chối bởi có những cô gái muốn làm một người bình thường của những người bình thường, có cuộc sống dân dã trong cuộc đời của người dân dã. Trong số những cô gái không màng đến vinh hoa phú quý, danh phận cao sang đó đã được dã sử, dân gian truyền lại, có 3 người con nổi danh nhất là Phạm Thị Toàn, Nguyễn Thị Hoa Nương và Nguyễn Thị Hạnh.
Người không muốn làm bậc “mẫu nghi thiên hạ”
Nếu như giàu sang, danh vọng, địa vị, quyền lực có sức hấp dẫn khiến không ít phụ nữ có nhan sắc sẵn sàng hi sinh, đánh đổi để đạt được thì có người lại coi tất cả những cái đó là phù phiếm, hư ảo.
Vào thời giặc Lương đô hộ nước ta, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay là làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí, vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi người con gái tên là Phạm Thị Toàn lớn khôn và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.
Năm Tân Dậu (541), khi nghe tin hào trưởng Lý Bí ở đất Thái Bình dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh đuổi bọn đô hộ, cha con ông Phạm Lương liền bán tài sản, nhà cửa để mộ quân tham gia ứng nghĩa cùng với hào kiệt, tù trưởng, thủ lĩnh các địa phương.
Với sự tham gia đông đảo đó, thanh thế nghĩa quân rất lớn nên chỉ trong vòng 3 tháng đã khiến chính quyền đô hộ của giặc Lương tan vỡ khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ phải bỏ chạy về phương Bắc.
Vì có công lao, ông Phạm Lương được phong làm bộ chủ châu Hoan (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) nhưng chỉ được vài năm thì mất, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.
Còn Phạm Thị Toàn, trong các trận chiến đánh giặc, tuy là phận nữ nhi nhưng luôn dũng cảm xông pha tên đạn, không quản gian khổ hiểm nguy và trở thành một nữ tướng nổi danh được quân dân mến trọng còn kẻ thù nghe tiếng nàng đã kinh hãi.
Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ không lâu, tháng 12 năm Nhâm Tuất (542), Phạm Thị Toàn lại tham gia phá giặc Lương nơi địa đầu biên giới lúc chúng cho quân tiến xuống xâm lược định tái lập ách đô hộ và đến tháng 4 năm Qúy Hợi (543) nàng theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.
Người phụ nữ từ chối tình cảm của Đinh Tiên hoàng đế có tên là Nguyễn Thị Hoa Nương, quê ở trang An Lạc, đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). (Ảnh minh họa).
Khi đã ổn định được tình hình đất nước, tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế; ông chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước ta (sử quen gọi là Lý Nam Đế) và lấy niên hiệu là Thiên Đức.
Với mong muốn đất nước vững bền lâu dài, trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân “có ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư), ông còn dựng triều nghi, đặt trăm quan, xây dựng thiết chế chính quyền có sự phân định cụ thể.
Về chuyện hôn nhân, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, nết na, lại giỏi văn chương, côn quyền từng lập không ít công trạng, Lý Nam Đế liền cho người đón Phạm Thị Toàn vào cung định lập làm vương phi nhưng nàng một mực chối từ mà nói rằng:
“Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!”.
Biết khó lay chuyển ý định của nàng, Lý Nam Đế không muốn làm chuyện gượng ép nên đã chấp thuận thỉnh nguyện của Phạm Thị Toàn; từ đó bà ở lại quê nhà lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi bà qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng.
Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông đã ban sắc phong cho Phạm Thị Toàn là “công chúa ni cô”, tương truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Còn ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An Ninh và là một danh tích nổi tiếng của xứ Đông.
Không muốn nhập cung, đành tự vẫn để chối từ
Ít ai biết rằng, Đinh Bộ Lĩnh người được suy tôn là Vạn Thắng vương trong các trận chiến đánh dẹp “loạn 12” sứ quân để thống nhất đất nước rồi lên ngôi, trở thành hoàng đế đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ lại không thể chinh phục trái tim của một cô gái nơi thôn dã.
Người phụ nữ từ chối tình cảm của Đinh Tiên hoàng đế có tên là Nguyễn Thị Hoa Nương, quê ở trang An Lạc, đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Tương truyền rằng cha mẹ cô là ông Nguyễn Nhân và bà Hoàng thị, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ham làm việc thiện, họ lấy việc cấy cầy làm nghề nghiệp, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng rất an hòa, hạnh phúc, chỉ hiềm một nỗi mãi không sinh được mụn con nào.
Một hôm, vào giữa trời tháng 6 rất nóng nực, oi bức, bà Hoàng thị mới ra ngồi hóng mát trên một cái gò đất nhỏ trong làng có hình một con rùa, thường được gọi là gò Kim Quy; được một lát thì bỗng thấy trong người bàng hoàng, bụng đau ngâm ngẩm.
Từ đó bà có mang, đủ 9 tháng 10 ngày, đúng giờ Ngọ ngày 12 tháng 2 năm Canh Tuất (950) bà Hoàng thị sinh hạ một người con gái, bấy giờ hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nhà, ai ai cũng cho đó là điềm lạ, phúc lành. Hai vợ chồng ông Nguyễn Nhân đều rất vui mừng, họ đặt tên con là Hoa Nương và nâng niu, chăm sóc cô bé chu đáo, cẩn thận.
Thời gian dần trôi qua, cô bé Hoa Nương ngày nào càng lớn càng trở nên xinh đẹp lạ thường, tóc dài đen nhánh, mắt phượng mày ngài, môi đỏ như son, miệng cười tươi như hoa chúm chím nở.
Dân làng ai cũng yêu quý nàng, nhớ đến chuyện lạ về mùi hương thơm khi Hoa Nương sinh ra, họ đồn rằng có lẽ cô là một nàng tiên nữ giáng xuống trần gian. Chuyện kể rằng vào năm Hoa Nương tròn 16 tuổi, một hôm vào giữa trưa nắng gắt, khi cô gái đang thả trâu ăn cỏ ở bãi ven sông thì bỗng đâu xuất hiện một người đàn ông mặc quan phục tiến đến nói rằng:
“Ta với nàng có nhân duyên tiền định, chẳng bao lâu sẽ được gặp nhau”. Nói xong thì người đó biến mất, Hoa Nương cho là điềm quái gở, lấy làm lo sợ bèn về kể lại cho cha mẹ biết rồi làm lễ cúng giải hạn.
Trong số những câu chuyện, giai thoại về hoàng đế Lê Thánh Tông, có một chuyện vì quá yêu mến sắc đẹp và tài thơ văn của một người phụ nữ mà vua đã ép nàng vào cung làm phi, bất chấp việc người đó đã xuất gia tu hành. (Ảnh minh họa).
Hai năm sau, khi bước vào tuổi 18, nhan sắc của Hoa Nương lại càng lộng lẫy, kiêu sa, biết bao chàng trai xa gần nghe tiếng đồn về cô gái xinh đẹp, tài giỏi đã tìm đến làm quen, xin cầu hôn nhưng nàng không nhận lời ai cả.
Vẻ đẹp của Hoa Nương còn đồn đến tận kinh đô Hoa Lư, vua Đinh Tiên Hoàng lúc đó dù đã lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, chưa kể các phi tần khác nhưng cũng muốn có thêm một mỹ nhân trong chốn hậu cung của mình.
Nhà vua cho người mang lễ vật đến tận trang An Lạc mời vợ chồng ông Nguyễn Nhân về triều, ngỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi. Được hoàng đế để mắt đến, khác nào nhận được vinh dự lớn lao, vợ chồng ông Nguyễn Nhân mừng rỡ trở lại quê nhà thuyết phục, rồi cố gò ép nhưng Hoa Nương nhất quyết từ chối.
Nàng nói rằng: “Con quen vui sống cảnh thôn quê, khó mà chịu được những gò bó, lễ nghi trong cung đình; sống như thế khác nào cảnh chim lồng, con nguyện ở vậy để chăm sóc, phụng dưỡng song thân cho đến tuổi trời, chứ không vì phú quý mà đem thân mình vào chốn nhung lụa lắm thị phi”.
Chẳng còn cách nào khác để con gái thay đổi chủ ý, cha mẹ Hoa Nương đành viết đơn gửi về triều xin nhận tội nhưng vua Đinh có lẽ hiểu được tâm sự của cô gái nên không nhắc đến chuyện đó nữa.
Còn Hoa Nương, sợ rằng vì mình mà cha mẹ bị vua trừng phạt nên đã tìm đến cái chết để kết thúc sự khúc mắc, khó xử khi ấy. Một đêm nàng ra sau nhà ngửa mặt than trời rồi tự vẫn; sáng hôm sau cha mẹ và hàng xóm đi tìm thì thấy Hoa Nương vẫn ngồi như lúc còn sống.
Mọi người ai cũng lấy làm xót thương, liền đưa thi hài cô gái hồng nhan mà mệnh bạc về táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng. Đúng ba tháng sau, dân làng thường nghe văng vẳng tiếng Hoa Nương ca hát, vui cười trên không, biết là nàng hiển linh, mọi người mới bàn nhau lập miếu thờ phụng gọi là miếu bà Chúa tối linh.
Đến thời Lê Hoàn thay triều Đinh trị nước, một lần vua thân cầm quân đi đánh giặc quấy nhiễu biên cương phương Nam có qua miếu bà Chúa, bèn sắm hương hoa, làm lễ cầu khấn thần âm phù tế độ cho quan quân thắng trận.
Sau đó quân đi đến đâu, giặc tan vỡ đến đó, cho là được bà Chúa phù hộ, trên đường trở về Hoa Lư, vua Lê Hoàn đã cho lập đàn tạ lễ, lại ban tiền bạc để tu sửa miếu và sắc phong bà chúa Hoa Nương mỹ hiệu là:
“Hiển tế Anh linh Tiên thiên Thánh nữ Hiển ứng Thượng đẳng tối linh Công chúa”. Các triều đại sau này cũng cấp tiền và miễn tạp dịch cho dân làng An Lạc một vài năm để tu sửa miếu mạo và lo việc tế tự bà chúa.
Giả điên để không phải sánh duyên cùng chúa Nguyễn
Khi nhắc đến chính quyền của họ Nguyễn người ta thường nói tới “9 chúa, 13 vua”. Điều đó không sai nhưng chưa chính xác bởi thực ra họ Nguyễn có tới 10 đời chúa; tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trong một trận đánh ác liệt với quân Tây Sơn đã bị bắt, sau đó bị giết.
Sự nghiệp phục dựng quyền bính của họ Nguyễn đặt hết lên vai Nguyễn Phúc Ánh, đây chính là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm chúa rồi lại làm vua.
Sau một thời gian tổ chức lại lực lượng, tiến hành tái chiếm nhiều vùng đất và làm chủ cả vùng Gia Định, đến năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi chúa và xưng vương, dùng niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê trong các văn bản giấy tờ, cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” để sử dụng.
Trải nhiều năm tháng với các trận chiến ác liệt, đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1819), lập ra triều Nguyễn.
Trong thời gian còn bôn ba tẩu quốc, lo việc khôi phục, Nguyễn Phúc Ánh nhiều lần phải lẩn tránh khắp vùng sông nước Cửu Long trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Năm Đinh Mùi (1787), một lần ông về trú tại làng Tân Long xứ Sa Đéc nằm ở ngã ba sông tên gọi Hồi Oa Thủy (Nước Xoáy), thấy nhân dân thuần hậu mới đổi tên là làng Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Tại đây, Nguyễn Phúc Ánh được sự giúp đỡ, phò trợ hết lòng của ông Nguyễn Văn Mậu, tự là Hậu, một bậc hào phú, giữ chức tri thâu (thu thuế), được tín nhiệm nên kiêm luôn chức Trùm cả trong làng Tân Long.
Gia đình ông Mậu đã mở cả kho lúa của mình làm lương thực, xuất tiền của để chu cấp cho quan binh chúa Nguyễn suốt mấy tháng ròng, lại còn còn vận động con cháu và trai tráng trong làng đến đầu quân. Cảm ơn cao nghĩa cử của Nguyễn Văn Mậu, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã gọi ông là “Ông Bõ”, có nghĩa là cha nuôi, còn người dân trong vùng gọi thì gọi là “Ông Bõ Hậu”.
Ngoài giúp đỡ về hậu cần, ông Mậu còn có ý muốn đem con gái út của mình làm Tấn nhân (vợ lẽ) cho chúa nhưng cô gái không bằng lòng, đã nói với cha rằng: “Đành rằng Ngài không chê phận con thấp hèn, nhưng tính đến chuyện sánh đôi với Ngài, coi sao cho phải? Bấy lâu con vẫn có lòng thương mến Ngài như tình anh em mà thôi!”.
Từ đó cô gái có ý tránh mặt Nguyễn Phúc Ánh, rồi sau đó cô giả điên, thường lấy bùn đất, lấy lọ than bôi lên mặt, xõa tóc rũ rượi, làm những điều quái dị.
Chúa Nguyễn buồn đau, ngẩn ngơ thầm thương tiếc cho một đóa hoa đồng nội chẳng may lợt sắc phai hương, còn ông Mậu cũng không hiểu thâm ý, tưởng rằng con mình ưu tư đến mất trí, lòng cũng đau xót vô cùng. Không ngờ trước còn giả điên, sau cô gái phát cuồng thật, tâm trí rối loạn, quẫn trí mà thành bệnh rồi qua đời.
Không rõ cô gái đó tên là gì, nhưng có người nói rằng cô tên là Nguyễn Thị Hạnh, cái tên đẹp nhưng số phận lại hẩm hiu không mang đến hạnh phúc cho cô mà chỉ là sự bất hạnh. Dù không may mắn nhưng người con gái đó đã trở thành một tấm gương của sự tiết tháo, đoan chính với khát khao tự do hôn nhân, tự do yêu thương trước những khắt khe, gò bó của tư tưởng Nho giáo đương thời.
Sự giả điên và cái chết của cô con gái ông Bõ Hậu là một từ chối bi thương trước tình cảm của Nguyễn Phúc Ánh. Năm Nhâm Tuất (1802), sau khi lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ đến công thuở trước của ông Nguyễn Văn Mậu, vua Gia Long có sắc chỉ mời ông ra Kinh đô nhận chức nhưng ông mượn cớ tuổi già sức yếu xin được miễn ra chầu.
Vua bèn gửi tặng cho ông một bộ phẩm phục, một bộ chén trà hiệu năm Giáp Tý (1804), một số tiền và sắc phong tước Đức hầu. Năm Kỷ Tị (1809), ông Mậu qua đời, vua Gia Long lệnh cho bộ Công cử người vào xây mộ cho ông và cho cả người con gái vắn số của ông.
Còn có một thuyết khác kể rằng, do không dám cãi lại lời cha nên chấp nhận chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, cô gái đành chịu lấy chúa Nguyễn, nhưng khi đoàn thuyền đi rước cô từ nhà ra chốn hành cung của Nguyễn Phúc Ánh ở bên sông Long Hồ; thuyền đi được nửa đường thì nhân khi đêm tối cô gái đã nhảy xuống dòng sông trầm mình mất tích!
Thuyết khác kể rằng có người thương cảm tâm sự của cô gái đã tổ chức cuộc “đánh tráo”, đem theo hòn đá lên thuyền, lúc đêm tối ném hòn đá xuống sông rồi báo rằng người con gái ấy vì từ chối cuộc hôn nhân đã chọn lấy cái chết. Cô gái đã có sự chọn lựa của riêng mình và hẳn người đời quên đi với sự bằng lòng, tha thứ, khoan dung tấm tình trong trắng của người con gái đất Tân Long.
Ni sư trốn khỏi kiệu vàng để không phải vào cung làm vợ vua
Trong số những câu chuyện, giai thoại về hoàng đế Lê Thánh Tông, có một chuyện vì quá yêu mến sắc đẹp và tài thơ văn của một người phụ nữ mà vua đã ép nàng vào cung làm phi, bất chấp việc người đó đã xuất gia tu hành.
Truyền rằng, một lần vua Lê Thánh Tông đi thăm trường Quốc Tử Giám, lúc ra về ghé thăm ngôi chùa có phong cảnh cực kì u nhã ở gần đó là chùa Ngọc Hồ (còn gọi là chùa Bà Ngô, nay nằm trên phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu quận Đống Đa, Hà Nội).
Vào tới sân chùa, vua nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kì như vút lên tận từng mây, lại gần thì ngây ngất, sững sờ khi thấy ni cô đẹp như một tiên nữ giáng trần khiến cho tâm thần đức vua không khỏi xốn xang.
Ni cô quay lại, làm lễ, nhận thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, bèn lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm với nét chữ bay bướm: “Tới đây mến cảnh mến thầy/Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần!”.
Câu thơ nói đúng tâm trạng của vua lại càng làm Lê Thánh Tông xao xuyến, vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kì ngộ. Bài của Tao Đàn phó nguyên soái Thân Nhân Trung làm nhanh nhất và hay nhất viết rằng:
“Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười/ Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người/Chày kình một tiếng tan niềm tục/Hồn bướm ba canh lẩn sự đời/Bể ái nghìn tầm mong tát cạn/Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi/Nào nào cực lạc là đâu tá?/Cực lạc là đây chín rõ mười”.
Khi bài thơ đọc xong, ni cô liền phê rằng: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước sự mẫn tuệ và cao khiết của ni cô, bèn một mực rước mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi.
Biết khó có thể chối từ ngay được, ni cô đành thuận theo nhưng tìm cách thoát khỏi tình cảnh khó xử này. Không rõ bằng cách nào, khi xa giá vừa đến cửa Đại Hưng (khu vực Cửa Nam, Hà Nội ngày nay) thì trong xe không còn thấy bóng ni cô đâu nữa.
Vua Lê Thánh Tông ngạc nhiên tin chắc ni cô là một tiên nữ giáng trần. Lòng ngài ngơ ngẩn tiếc nuối mãi, rồi truyền lệnh cho xây lầu Vọng tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông, hi vọng có dịp tái ngộ với người con gái tài sắc ấy...
Đời sau, vào thời Tây Sơn có bài thơ chê cười Lê Thánh Tông về chuyện này như sau: “Phật đường săn gái chuyện làm càn/Đắc ý nhà vua chuyện những toan/Người ngọc nhà vàng thành mộng hão/Duyên may lại kém bác đồ gàn”. Trong sáng tác nghệ thuật dân gian cũng có một bức tranh mô tả về câu chuyện lạ kỳ đó.
Câu chuyện về những người con gái từ chối làm vợ vua đã cho thấy tiền bạc, quyền uy không phải lúc nào cũng có thể giành được trái tim của người phụ nữ bởi tình yêu chỉ có thể đến từ tình yêu chân chính và sự đồng cảm thì niềm hạnh phúc mới thực sự đong đầy.