Thống kê cho thấy 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã tăng lãi suất, có cả kỳ hạn dài lẫn kỳ hạn ngắn, có ngân hàng tăng lãi suất đến 3 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
4 “ông lớn” ngân hàng nhập cuộc tăng lãi suất
Hiện lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng của các ngân hàng này đã tới 4,4 - 4,5%/năm, thay vì mức 4,1% duy trì một thời gian dài từ tháng 8 trở về trước; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6% lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm. Ở kỳ hạn dài lãi suất hiện là 6,6% - 6,9%/năm và mức cao nhất đang là 7%/năm.
Biểu lãi suất huy động tại Vietinbank
Nếu chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, Big 4 ngân hàng đã tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, đến 9 tháng
Sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao so với đầu năm, với lãi suất của nhóm Big 4 thậm chí đã cao hơn ở nhiều ngân hàng tư nhân khác.
Biểu lãi suất huy động tại LienVietPostBank
Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn của khối NH Nhà nước đang cao hơn LienVietPostBank trong khi kỳ hạn dài thì đang xếp trên cả những cái tên như ACB hay Eximbank
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang thấp hơn từ 0,6 đến gần 2% với các kỳ hạn tương ứng tại khối ngân hàng cổ phần. Con số thống kê cũng cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn dài được điều chỉnh mạnh tay hơn các kỳ hạn ngắn.
Theo nhận định từ công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động đã có sự gia tăng trên diện rộng và bắt đầu lan sang lãi suất cho vay, tuy nhiên mức tăng hiện nay vẫn tương đối hạn chế.
Bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô BVSC cho rằng, lãi suất tăng trên diện rộng và nhanh hơn là bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, thanh khoản ngân hàng cuối năm mang tính chất mùa vụ, cứ đến cuối năm sẽ có sự căng thẳng đôi chút, thanh khoản hơi thiếu 1 tý.
Thứ 2, các NHTM đang phải chuẩn bị đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có quy định “Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%”
Chính vì vậy, ngân hàng nào mà tỷ lệ này đang cao thì buộc phải tăng huy động kỳ hạn dài bằng công cụ lãi suất để hút tiền về. Từ đó sẽ đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).”
“Các NHTM phải tăng huy động trung và dài hạn thì mới có thể được phát triển tín dụng trong năm sau, nếu vi phạm tỷ lệ này coi như NHTM sẽ bị “trói tay, trói chân” không cho vay được” Bà Yến nhấn mạnh.
Cũng theo BVSC, các NH quốc doanh có thể thanh khoản không có vấn đề nhưng trước kỳ vọng về lạm phát tăng, cộng hưởng với động thái tăng lãi suất của khối NHTM cổ phần thì để giữ khách các 4 ông lớn cũng buộc phải tăng theo”
Lãi suất cho vay sẽ tăng, doanh nghiệp gặp khó?
Việc tăng lãi suất huy động đã phần nào tác động tới lãi suất cho vay trong thời gian gần đây. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tương đương cuối năm 2017. Trong khi lãi suất cho vay vừa được một số ngân hàng điều chỉnh thêm 0,2 - 1%, đưa lãi suất ngắn hạn dao động từ 7 - 9%/năm, còn lãi suất trung dài hạn từ 9 - 12,5%/năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, với hạn mức tín dụng 17% hiện nay, nhiều ngân hàng đã bị gần như kín "room" cho đến thời điểm này nên họ sẽ siết lại việc cho vay, bên cạnh việc chi phí đầu vào là lãi suất huy động tăng lên nên sẽ có tác động ít nhiều.
Ngoài ra, các chi phí hoạt động khác cũng tăng lên như các ngân hàng phải cải tổ hệ thống công nghệ thông tin, tăng lương để giữ nhân tài…làm nên áp lực cộng gộp lên lãi suất cho vay.
“Tôi đánh giá các áp lực này với lãi suất cho vay thậm chí còn lớn hơn cả lãi suất huy động. Ít nhất trong quý 4/2018 và quý 1/2019 tôi cho rằng thách thức để giảm được lãi suất cho vay là vô cùng khó” vị này chia sẻ.
Còn theo phân tích từ BVSC, mặt bằng lãi suất cho vay phần nào phụ thuộc vào chính sách điều hành của NHNN trong năm sau. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, xu hướng tăng là khó tránh khỏi. Theo tính toán của BVSC, mặt bằng lãi suất cho năm sau 2019 sẽ tăng khoảng 0,5% đến 1%. Tích cực thì sẽ chỉ tăng khoảng 0,5%
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, việc lãi suất có xu hướng tăng trong thời gian tới là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn. Việc tăng lãi suất kéo theo là hàng ngàn mức tăng giá đi kèm không chỉ là chi phí lãi vay. Nếu không tính toán hợp lý, doanh nghiệp có thể dẫn tới thua lỗ thậm chí phải rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động kéo theo đó là áp lực tăng lãi suất co vay đó là quan hệ cung – cầu thị trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nắm được xu hướng lãi suất và từ đó đưa ra kế hoạch chiến lược tài chính phù hợp. Có như thế mới nâng cao được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì chỉ trông chờ vào xu hướng điều hành của NHNN.