Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Thanh tra TP tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú của huyện Sóc Sơn.
Liên quan đến việc giải quyết như thế nào về việc 300 hộ dân ở xã Minh Trí “bỗng dưng” nằm trong đất rừng phòng hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đất rừng ở Sóc Sơn có hơn 4.500 ha rừng, trong đó có 2 đơn vị quản lý là huyện Sóc Sơn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý.
Hơn 2.000 ha đất rừng phòng hộ đặc dụng do huyện Sóc Sơn quản lý giao cho 11 xã, một nửa còn lại TP giao Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội. Ảnh: THÀNH AN
Đối với thôn Minh Tân, xã Minh Trí, theo ông Tuấn, trước đây, năm 1985, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc di dân xây dựng vùng kinh tế mới, huyện Sóc Sơn vận động 130 hộ dân với 474 nhân khẩu từ 5 xã tới khai hoang, trồng rừng, phát triển kinh tế tại khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí).
Lúc này, rừng ở đây chưa có, “đất trống, đồi trọc, dân có trước rừng có sau”. Trong quá trình phát triển, từ 130 hộ dân thôn Minh Tân, đã phát triển lên 300 hộ, có trường học, trạm xá.
Từ những năm 1993-1995, việc đo đạc liên quan đến đất ở thì chưa được đo đạc còn quy hoạch rừng chưa chưa đưa được các hộ dân ra khỏi đất rừng.
“Do giai đoạn trước chưa đo đạc được bản đồ đất ở, nhưng nay Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã đo đạc xong tổng thể đất thổ cư, đất ở. UBND huyện đang thực hiện các quy trình thông qua cộng đồng dân cư thẩm định, báo cáo UBND TP để xin điều chỉnh quy hoạch rừng bóc tách thực trạng đất người dân đang ở ra khỏi đất rừng” – ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, liên quan đến phân cấp quản lý toàn bộ phần đất rừng đã được bàn giao theo quyết định phân cấp của TP cho Sở NN&PTNT. UBND huyện Sóc Sơn đề xuất TP xin chủ trương trên cơ sở đất đang chồng lấn phải điều chỉnh để đảm bảo lợi ích cho người dân trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT.
“Trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT nhưng chúng tôi đề nghị TP cho phép huyện điều chỉnh quy hoạch rừng và tiếp tục giao huyện Sóc Sơn” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn cho biết, quy hoạch rừng Sóc Sơn được khảo sát điều chỉnh lại từ 2005. Trong quá trình điều chỉnh Ban quản lý Rừng đã kiến nghị đưa diện tích đất ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Nhưng vì không có bản đồ địa chính xã Minh Tân nên không có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. “Ngoài tấm bản đồ quy hoạch rừng năm 2008, bản đồ xác định diện tích đất thổ cư và đất dự án trồng lấn trong đất lâm nghiệp năm 2006 của huyện Sóc Sơn được phê duyệt thôn Minh Tân, xã Minh Trí vẫn nằm trọn vẹn trong đất rừng” – ông Chiêm nói. |
Tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, 22/27 trường hợp vi phạm nằm trong quy hoạch đất rừng đặc dụng, trong đó có 5 trường hợp vi phạm nằm trong đất xã quả lý ngoài quy hoạch rừng
phòng hộ.
Nói về vấn đề này, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, sai sót có lẽ bắt đầu từ giai đoạn 1990 - 1993, khi có cán bộ về đo vẽ bản đồ địa chính, đất rừng phòng hộ, song chính quyền xã “vì nhiều lý do chưa chủ động” trong công tác dẫn người đi đo vẽ bản đồ. Đến năm 1998, có quy hoạch về rừng phòng hộ Sóc Sơn, song “người dân cũng không được thông báo”. Do đó, bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ nằm trùm lên khu dân cư.
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng TNMT huyện Sóc Sơn cho biết quy hoạch đất rừng ở Sóc Sơn được làm theo nhiều giai đoạn. Năm 1998, Sở NN&PTNT Hà Nội làm quy hoạch rừng dựa theo bản đồ địa chính, thời điểm này diện tích đất ở thôn Minh Tân không được tách ra, vẫn nằm trong đất rừng phòng hộ, với lý do không có bản đồ địa chính đo năm 1992.
Đến năm 2008, điều chỉnh quy hoạch về đất rừng phòng hộ Sóc Sơn lần thứ 2, có đề nghị tách diện tích đất ở thôn Minh Tân ra khỏi đất rừng phòng hộ nhưng không làm được vì cũng là lý do “không có bản đồ địa chính năm 1992”.
“Việc dân ở từ năm 1985 là có thật, thôn-xóm có đường, trường, trạm xá. Trách nhiệm đầu tiên là của UBND xã khi biết dân ở đó, lúc làm quy hoạch phải kiến nghị đưa ra, sau đến là trách nhiệm của huyện và sở ban ngành trong việc thực hiện quy hoạch có một quy trình nào đó còn thiếu sót” - ông Giang nhìn nhận.