Cứ vào sáng sớm hoặc chiều mát, dọc theo những bãi đất bồi trồng sắn vừa mới thu hoạch xong ở sông Vệ, đoạn chảy qua 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, người dân trong vùng lại í ới gọi nhau đi "săn" đặc sản sùng đất.
Gọi là săn cho oách chứ dụng cụ để đào bắt loại đặc sản này chỉ gồm: cây cuốc và xô, chậu có đổ ít nước để đựng là được. Anh Nguyễn Văn Tân (40 tuổi), người dân ở Hành Tín Tây, giải thích: "Không như các con vật khác, sùng đất đào bắt được phải bỏ vào xô có nước, nếu không thì sẽ bị đen và mau bị hỏng".
Theo lời người dân trong vùng, mấy năm gần đây, nhờ mùi vị thơm ngon đặc biệt và giàu chất dinh dưỡng, sùng đất được người dân trong tỉnh lùng mua về để chế biến thưởng thức nên giá bán có lúc lên 250.000-300.000 đồng/kg, nhưng không dễ để mua được. Vì vậy số tham gia đi đào bắt để về bán ngày càng đông. Hôm ít thì vài chục, nhiều lên đến cả trăm người đi đào bắt sùng/ngày.
"Ở những khu vực đất pha cát và tơi thì sùng thường nhiều hơn. Chỉ cần chịu khó đào và di chuyển tìm các khu vực đất nói trên, lượng sùng đào bắt được 3-6 kg/người là bình thường", ông Lê Văn Minh (46 tuổi), người có kinh nghiệm hơn 5 năm đi đào sùng ở xã Hành Tín Tây cho biết.
Ông Trịnh Bê - Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông kể: "Vụ năm rồi, sùng đất nhiều. Có trường hợp chỉ trong diện tích 1 sào đất bồi trồng mì, người dân đào được trên 200 kg sùng, bán được khoảng 40 triệu đồng, cao hơn khoảng 8 lần so với tiền mì thu hoạch trên diện tích này".
Chỉ tính mỗi ngày 40 người đi đào, với số lượng 2 kg/người/ngày, tương đương 80 kg sùng đất/ngày. Trong thời gian đào bắt kéo dài 2 tháng, số sùng đất mà người dân nơi đây bắt được 4800 kg. Với giá bán thấp nhất khoảng 200.000 đồng/kg, số tiền thu về từ sùng đất cho người dân trong vùng gần cả tỷ đồng.