Dân Việt

Long An: 22 cử nhân đại học đầu tiên về làm ở các HTX nông nghiệp

Trần Đáng 21/10/2018 18:23 GMT+7
Nhằm củng cố bộ máy và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp HTX ứng dụng công nghệ cao và tham gia đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới, UBND tỉnh Long An vừa có quyết định điều hàng chục cán bộ trẻ có trình độ đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) về làm việc.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ ít nhất 1 lao động/HTX cho 12 HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 10 HTX tham gia kế hoạch thực hiện thí điểm nhằm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới của tỉnh. Nguồn kinh phí được lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ hàng năm cho tỉnh.

Như vậy, trước mắt sẽ có 22 cán bộ trẻ trình độ ĐH-CĐ sẽ được điều về làm việc tại các HTX.

img

Sơ chế rau tại HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (Cần Giuộc, Long An). Ảnh: T.Đ

Toàn tỉnh Long An hiện có 150 HTX nông nghiệp, với tổng vốn góp điều lệ hơn 154.220 triệu đồng. Tổng số thành viên là 3.304 thành viên. Trong đó, có 15 HTX/150 HTX ngừng hoạt động hoặc đang tiến hành giải thể. Đầu năm 2018 các huyện tiến hành rà soát và đã giải thể 5 HTX.

Thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 65 HTX nằm trong vùng của Chương trình (33 HTX lúa, 16 HTX rau, 14 HTX thanh long, 02 HTX bò thịt), trong đó có 16 HTX điểm (13 HTX vùng Đề án và 3 ngoài vùng).

Ông Lê Văn Giấy - Chủ tịch HĐQT HTX Rau Mười Hai (Cần Đước) cho biết, hiện HTX có 25 thành viên. Trình độ các thành viên chỉ mới cấp 2, cấp 3. “Ngay cả trình độ thành viên ban kiểm soát cũng chỉ cấp 3. Vì vậy, việc điều hành, quản lý hoạt động của HTX chưa được trơn tru, gây khó khăn cho sản xuất và kinh doanh”, ông Giấy chia sẻ.

img

Ông Lê Văn Giấy–Chủ tịch HĐQT HTX Rau Mười Hai, thu hoạch rau tại HTX.

Đánh giá của UBND tỉnh Long An cho thấy, hiện trình độ tổ chức và năng lực quản lý trong hệ thống HTX còn yếu kém, quy mô nhỏ, chưa hoạt động đa ngành dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết hoạt động thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu thông tin dự báo thị trường. Đa số các HTX chưa tự chủ xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh.

Hiện, đối với các HTX nông nghiệp trong vùng Đề án công nghệ cao mới chỉ có gần 2% trong tổng số thành viên HĐQT là người có trình độ sau đại học; đại học chiếm 8,38%; cao đẳng chiếm 7,33%…

Bên cạnh đó, vốn điều lệ và mức đóng góp vốn của xã viên HTX nông nghiệp còn rất thấp. Tuy nhiên, trên thực tế đa số HTX không vận động được thành viên góp vốn nên HTX hoạt động cầm chừng và không đủ vốn đối ứng để thực hiện các chương trình hỗ trợ của nhà nước.

Về doanh thu và lợi nhuận, số HTX hoạt động có lợi nhuận còn rất thấp, chiếm 35,5% (năm 2016) và 24,4% (năm 2017). Số HTX nông nghiệp còn lại hòa vốn, hoạt động cầm chừng không có doanh thu.