Nhật ký hành trình Việt Nam tươi đẹp
Catherine Karnow - phóng viên ảnh của Tạp chí National Geographic bắt đầu chụp ảnh ở Việt Nam từ năm 1990. Dù đi nhiều quốc gia để sáng tác nhưng Việt Nam vẫn là nơi bà đặt chân đến nhiều nhất. Năm 2015, bà ra mắt triển lãm và cuốn sách ảnh “Việt Nam - 25 năm một đất nước đang thay đổi” tại Hà Nội.
Mỗi bức hình là một dấu ấn đáng nhớ, một câu chuyện chân thực, thú vị về cảnh đẹp hoang sơ, đời sống vật chất và tinh thần, nét văn hóa - lịch sử… khắp ba miền từ thời kỳ Việt Nam trước mở cửa, cho tới thời kỳ hội nhập thế giới và chuyển mình tiến vào tương lai. Những khoảnh khắc mà bà gọi là “gặp duyên” được lưu lại một cách tinh tế, dịu dàng nhưng đôi lúc cũng táo bạo, mạnh mẽ, thấm đẫm cảm xúc.
Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow.
Các bức ảnh chụp Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước của Catherine mang vẻ đẹp thâm trầm, hoài niệm về một đất nước vừa mới bước ra từ điêu tàn chiến tranh chưa lâu. Nhân vật của bà không chỉ là những gương mặt nổi tiếng như Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, họa sĩ Diệp Minh Châu, nhà văn Bảo Ninh… mà còn là những con người đời thường, mộc mạc như anh thợ hớt tóc vỉa hè, bác xích lô, người giáo già, chị nông dân, bà mẹ trẻ với đàn con thơ trên chuyến tàu Thống Nhất… Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất hạnh khổ đau đến mấy, ở họ vẫn toát lên sự hồn hậu, niềm tin vào ngày mai. Bà yêu những thân phận như thế như yêu chính tinh thần Việt Nam bất diệt.
Một trong những tác phẩm nằm trong chùm ảnh thập niên 90 mà nữ nhiếp ảnh gia yêu thích nhất là bức chụp một thầy giáo dạy đàn đang say sưa với cây guitar. Bà kể: “Đó là năm 1990, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và đi tìm chiếc xe điện cũ của Pháp. Tôi đặt chân máy ở trong một ngôi nhà để có thể nắm bắt tốt cảnh chiếc xe điện chạy qua. Mặc tôi chăm chú chụp ảnh, bác chủ nhà vẫn điềm nhiên ngồi đàn với một phong thái thư thả.
Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra cả tôi và bác đều hết sức tập trung vào công việc của mình. Nhanh chóng, tôi quay sang bấm máy khoảnh khắc đó, khoảnh khắc gợi cho tôi cảm giác về điều gì thật sâu lắng, những hoài niệm và tĩnh tại trong tâm hồn. Với tôi, nhiếp ảnh là nghệ thuật của sự chia sẻ cảm xúc, kết nối con người. Những bức ảnh không chỉ là cách để người ta giữ gìn, ghi nhớ về quá khứ mà còn tạo cảm hứng để người ta cùng hướng đến một tương lai tích cực, tươi mới hơn”.
Trên chặng hành trình khám phá Việt Nam, ống kính Catherine găm sâu hình ảnh nạn nhân chất độc da cam, những đứa con lai Việt - Mỹ khiến người ta xót xa, ám ảnh về tội ác và nỗi buồn của chiến tranh. "Ai sẽ là người chăm sóc chúng khi tôi về già và khi tôi không còn nữa?”.
Một tiệm hớt tóc trên vỉa hè Hà Nội. (Ảnh Catherine).
Câu hỏi và ánh mắt đớn đau của chị Võ Thị Nhâm khi ôm những đứa con quặt quẹo xoáy sâu vào người xem. Nó chỉ rõ hậu quả của cuộc chiến do Mỹ gây ra tại Việt Nam và trách nhiệm sẻ chia nhân đạo của những người có lương tâm.
Bước ra từ chiến tranh, Việt Nam vươn lên từng ngày. Việt Nam ngày nay là hình ảnh một đất nước hiện đại với sự đổi mới về kinh tế, hạ tầng giao thông, những tòa nhà cao ốc, nhà hàng sang trọng, tuổi trẻ năng động với phong cách sống thời thượng…
Bên cạnh sự hào nhoáng văn minh ấy vẫn hiện lên vẻ đẹp của một đất nước đậm đà bản sắc, giàu truyền thống văn hóa với những chứng tích không bao giờ phôi pha. Đó là điều mà ống kính Catherine luôn tìm kiếm và nâng niu như cõi riêng của mình. Bà rất yêu mái ngói cổ kính của Hà Nội, yêu những bức tranh dân gian vẫn kiêu hãnh khoe sắc giữa những bức sơn dầu Tây phương, yêu tà áo dài rất Việt…
Ký ức không quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lần trở lại TP Hồ Chí Minh tháng 10- 2018, Catherine chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động sau những bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc sinh thời, Đại tướng coi Catherine như người bạn thân thiết của gia đình mình. Năm 1990, nhờ sự kết nối của cha bà – nhà báo Stanley Karnow (ông nổi tiếng với cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, mang tên "Vietnam: A History"), nữ nhiếp ảnh gia lần đầu đến phỏng vấn và chụp ảnh Đại tướng. Khỏi phải nói đến cảm giác hồi hộp, lo lắng của Catherine khi chuẩn bị tiếp xúc với vị danh tướng huyền thoại. Trò chuyện với Đại tướng, những lo âu ấy tan biến. Bà không ngờ Đại tướng rất thân thiện, cởi mở và tạo mọi điều kiện cho bà tác nghiệp thuận lợi.
Năm 1994, Catherine là phóng viên ảnh nước ngoài duy nhất được tháp tùng Đại tướng trong chuyến thăm chiến trường xưa và trại bí mật trong rừng Tây Bắc, nơi ông đã vạch ra chiến lược Điện Biên Phủ nổi tiếng. Năm đó Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thấy nhiều nhà báo nước ngoài bàn tán xôn xao về việc liệu Đại tướng có lên Điện Biên hay không và nếu có thì họ làm thế nào để tác nghiệp, bà cũng sốt sắng.
Một lần đến thăm Đại tướng, bà được ông hỏi nhỏ: "Cô có muốn cùng tôi lên Điện Biên Phủ không? Mấy ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường". Khỏi phải nói, Catherine mừng hơn bắt được vàng. Lúc lên đường và trong quá trình tác nghiệp, bà không dám hé răng với đồng nghiệp nào. Chỉ khi quay lại Hà Nội, gặp một nhà báo của Hãng thông tấn AP ở Việt Nam, Catherine mới dám khoe. Anh nhà báo hãng AP kinh ngạc: "Cô đùa à?". Thế mới thấy, đối với cánh phóng viên nước ngoài, được cùng Đại tướng lên Điện Biên Phủ trong một chuyến đi riêng là điều không thể tưởng tượng được.
Trong số các bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Catherine tâm đắc nhất với bức chụp năm 1994. Đó là bức chân dung Đại tướng có tên "Snow-covered Volcano" (tạm dịch: Ngọn núi lửa phủ tuyết). Bà cho biết: “Đối với một số người như Đại tướng, sẽ dễ chụp hơn khi ông đang hành động thay vì đứng trước máy ảnh.
Ở Điện Biên Phủ, ông đi rừng, nhìn xung quanh, bình luận, trò chuyện, hân hoan khi gặp mọi người, khi đó ông là một chủ thể tốt vì ông rất sôi nổi. Nhưng chụp chân dung ông không dễ dàng chút nào, bởi cảm xúc của ông không dễ bộc lộ ra ngoài.
Thiếu nữ Hà Nội thập niên 90 (Ảnh Catherine).
Với vai trò một nhiếp ảnh gia, công việc của tôi là phải làm sao đưa cảm xúc đó ra”. Thế nên khi chụp chân dung Đại tướng tại nhà riêng, bà đã rất vất vả để tìm được vị trí có ánh sáng và góc máy như ý. Đó là ánh sáng từ cửa sổ chiếu xuống cầu thang và rọi xuống mái tóc, đôi mắt Đại tướng để so sánh ông với "ngọn núi lửa phủ tuyết" như cách ví von của người Pháp.
Năm 2013, bà cũng là phóng viên phương Tây duy nhất được chụp cận cảnh lễ tang Đại tướng. Bà không bất ngờ khi người dân đổ ra đường đông ngút tầm mắt, thành kính đưa tang người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nơi an nghỉ cuối cùng. Bởi bà hiểu rằng người Việt rất yêu đất nước mình, tự hào về anh hùng dân tộc vĩ đại như Đại tướng. Chỉ đến khi về Quảng Bình, Catherine mới thật sự kinh ngạc khi một thành viên trong gia đình Đại tướng nói khẽ: “Chị có thấy rất nhiều người dân cầm bức ảnh chị chụp ông cụ năm 1990 không?”.
Mắt hoe đỏ, bà lập tức đưa máy ảnh lên để ghi lại hàng dài người nức nở, ôm hình Đại tướng vào lòng. Lúc đó, Catherine hiểu rằng tình cảm mộc mạc mà chân thành của những con người Việt Nam chắc chắn còn níu chân mình đến cuối đời…