Dân Việt

Nóng tuần qua: Tin dữ ập đến với đại gia Việt đầu tiên mua máy bay riêng

Phương Linh 21/10/2018 13:05 GMT+7
Sau thông tin Hoàng Anh Gia Lai bị công ty FPT Capital kiện, ông bầu Đức đã lên tiếng xác nhận và có những giải thích ban đầu. Một vụ kiện khác cũng đang được dư luận theo sát là cuộc chiến nảy lửa giữa Vinasun và Grab. 

Doanh nghiệp kêu cứu vì quản lý kinh doanh gas gây... kẹt xe

Các doanh nghiệp kinh doanh gas đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Công Thương kêu vì quy định mới. Theo quy định, từ 1/8, các thương nhân kinh doanh mua bán khí, các trạm sang chiết LPG chai và các cửa hàng bán chai LPG chai phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG.

Tuy nhiên, việc lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG theo các đơn vị là gặp khó khăn vì số seri bị mờ, khó đọc do vỏ bình bị luân chuyển nhiều gây trầy xước và vỏ bình bị sơn nhiều lần.

Việc ghi chép số seri và ngày kiểm định tại cửa hàng mất nhiều thời gian như trên gây nên tình trạng ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ quá lâu để giao nhận và đối chiếu số seri, ngày kiểm định. 

Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng kinh doanh gas là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến an toàn tính mạng và sức khỏe con người nên cần kiểm soát chặt chẽ việc sang chiết gas, lưu hành, lưu thông vỏ bình gas trên thị trường.

img

Các doanh nghiệp gas kêu ca vì việc ghi chép số seri và ngày kiểm định vỏ gas tại cửa hàng mất nhiều thời gian và gây kẹt xe.

Đại chiến Vinasun – Grab

Một trong những vụ việc nóng tuần qua là phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Phía Vinasun cho rằng, Grab thực hiện việc điều động xe, xác định giá cước, thu cước phí, thưởng phạt tài xế. Grab được toàn quyền áp dụng và lựa chọn phương pháp tính giá cước, mua bảo hiểm tai nạn dân sự tự nguyện cho đối tác lái xe và hành khách đi xe. Bởi thế, Vinasun đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải là doanh nghiệp cung ứng phần mềm dịch vụ và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỉ đồng.

Ngược lại, Grab thì cho rằng họ không điều xe, không thu tiền của khách hàng mà vấn đề này do các hợp tác xã quyết định. Grab hợp tác kinh doanh với hơn 300 đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã với số lượng xe lớn. Cước phí là do các hợp tác xã xác định.

Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai bị kiện

img

Phía HAGL và FPT Capital đã không tìm được tiếng nói chung trong vụ mua cổ phiếu HNG.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa xác nhận việc chủ tịch tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức và công ty bị kiện bởi FPT Capital.

HAGL sau đó đã phải có công văn giải trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Theo đó, FPT Capital và TCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)  ký Hợp đồng góp vốn với tổng giá trị góp vốn 76,5 tỷ đồng, tương ứng 1,5 triệu cổ phiếu. Tháng 6/2015, HNG phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 49,5% nâng tổng số cổ phần lên hơn 2,2 triệu.

Tới tháng 9/2015, FPT Capital gửi thông báo đề nghị công ty và ông Đoàn Nguyên Đức mua lại toàn bộ hơn 2,2 triệu cổ phiếu HNG tại ngày 21/1/2016 với tổng giá trị gần 113 tỷ đồng. 

Phía HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại chưa hơph lý và không chấp nhận đề nghị. Hai bên không tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital đã khởi kiện ra tòa án.

Chưa có hình thức xử lý cán bộ vi phạm vụ Con Cưng

Trong buổi họp báo tổ chức tuần qua, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 16/10, cơ quan này đã có báo cáo tổng thể vụ việc Con Cưng gửi Thủ tướng.

Ông Linh nói, từ thời điểm có kết luận rà soát quy trình kiểm tra đến nay, quá trình xem xét kỷ luật cán bộ vẫn "đang được thực hiện, chưa có kết quả cuối cùng". Ông Linh hứa khi có kết luận kỷ luật cuối cùng sẽ công bố công khai.

Trước đó, liên quan đến vụ việc kiểm tra tại Con Cưng, theo kết luận của Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra, các công chức Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng và ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương. 

Cụ thể là những dấu hiệu vi phạm về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

img

Quá trình xem xét kỷ luật cán bộ vụ Con Cưng vẫn đang được thực hiện, chưa có kết quả cuối cùng.

Sẽ bớt cảnh chặt chém với cách tính giá điện mới?

Từ 26/10/2018, Thông tư 25 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện chính thức có hiệu lực.

Điểm mới là với cách tính giá điện với trường hợp cá thể thuê nhà như sinh viên, người lao động. Theo đó, bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Trước đó nhiều công nhân, người thuê trọ cho biết họ đang bị chủ nhà trọ tính giá điện  từ 4.500 đồng- 5.000 đồng/kWh, gấp hơn 2 lần so với giá điện quy định. 

Với quy định mới, cơ quan chức năng hy vọng người thuê nhà được hưởng giá điện ở đúng mức Nhà nước quy định.

Người thuê nhà không lo bị ”chặt chém” khi giá điện tính theo cách mới?

“Tại TP Hà Nội, trên 95% các chủ hộ cho thuê nhà đã ký cam kết áp giá bán điện theo đúng biểu giá trong quy định”