Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay (22.10), Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và ba năm 2016-2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Sau khi đồng tình với các đánh giá của Chính phủ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày, ông Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn một số vấn đề.
Chẳng hạn như cần phải phân tích rõ động lực của tăng trưởng để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Chính sách giá cũng cần phải được đánh giá hiệu quả thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Đối với cán cân thương mại, UB Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích sâu hơn các yếu tố tác động dẫn đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn 3%-4% so với kế hoạch.
“Một số ý kiến đề nghị cần báo cáo rõ hơn về các tác động của tình hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018; tình hình gia tăng các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trong thời gian vừa qua” - ông Thanh nói.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cũng cần phân tích nguyên nhân của các vấn đề như các khoản thu của nền kinh tế ở ba khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, FDI và tư nhân) đều không đạt dự toán; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp.
Bên cạnh đó, các vấn đề về công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu... cũng được đề cập.
“Một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến cho vay ngân hàng, thanh toán qua mạng, các loại tiền ảo có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ và có biện pháp quản lý” - ông Thanh cho hay.
Nhiều lĩnh vực khác của kinh tế-xã hội cũng được “soi” kỹ. Chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục. UB Kinh tế cho rằng: Giáo dục đạt được nhiều thành tích trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu.
“Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, trong đó chương trình giáo dục phổ thông mới chậm được ban hành; tự chủ đại học còn nhiều hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi THPT quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số tỉnh; sách giáo khoa xuất bản độc quyền, gây lãng phí cho xã hội” - ông Thanh nói.
Về điều tra, xử lý tội phạm, UB Kinh tế cho rằng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn theo UB Kinh tế, công tác trấn áp tội phạm ở một số đô thị lớn chưa đáp ứng mong đợi của người dân. Tình hình an ninh trật tự trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.
“Tội phạm liên tiếp xảy ra, nhiều vụ giết người, cướp ngân hàng, tử vong do sử dụng ma túy. Hoạt động tín dụng đen, huy động tiền trên mạng trái pháp luật, thu tiền “bảo kê” ở một số địa phương diễn ra ngày càng công khai, gây bức xúc trong dư luận” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, báo cáo thẩm tra cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại. Điều này thể hiện qua việc có nhiều vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học đã được thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng vẫn thiếu các giải pháp cụ thể để kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
UB Kinh tế dựa vào báo cáo ngày 20.9 của Bộ TN&MT dẫn ra các vụ việc như vụ cá chết bất thường trên sông như sông La Ngà (Đồng Nai); cá chết trên sông Bồng Miêu (Quảng Nam); cá chết nhiều tại hồ Tây; tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường kênh Bắc Hưng Hải; tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam; ô nhiễm môi trường tại bãi rác Phượng Thành, tỉnh Hà Tĩnh; rò rỉ dầu tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; ô nhiễm môi trường tại sông Ngũ Huyện Khê; vỡ đập bãi thải Nhà máy DAP tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai.
Cuối cùng, UB Kinh tế cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về công tác tuyên truyền cụ thể các nội dung quan trọng về điều kiện, thuận lợi và khó khăn trong việc tham gia hội nhập cũng như công tác phối hợp chuẩn bị của các cơ quan đàm phán với cơ quan quản lý khác và cộng đồng doanh nghiệp để có thể sẵn sàng tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.