Dân Việt

Ngân hàng lãi lớn từ mảng dịch vụ, trích lập dự phòng cũng tăng mạnh

Quốc Hải 22/10/2018 17:05 GMT+7
Kết thúc quý III.2018, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội từ mảng dịch vụ, trong khi đó, mảng tín dụng vốn lâu này vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho các ngân hàng lại có dấu hiệu chững lại.

img

Nhiều ngân hàng đã báo cáo lãi lớn trong quý III.2018 (Ảnh: IT)

Theo các chuyên gia tài chính, việc nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động dịch vụ không chỉ giúp đa dạng nguồn thu mà còn giúp các ngân hàng giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay.

Kiếm “bộn tiền” từ mảng dịch vụ

Tạm dẫn đầu về khoản lãi “khủng” từ mảng dịch vụ đến thời điểm hiện tại là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018 được công bố, tổng thu nhập hoạt động của nhà băng trong quý 3 đạt 4.799 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.185 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong đó, đa số các hoạt động kinh doanh đều có tăng trưởng lợi nhuận cao với thu nhập lãi thuần đạt 3.633 tỷ đồng, tăng 28%.

Tuy nhiên, đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 89% lên 710 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng 55%, đạt lãi 127 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MBB  đạt 6.015 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ của MB tăng mạnh từ 1.035 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 1.688 trong năm nay chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ). Cùng với đó, dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng tăng trưởng tốt (lãi 468 tỷ đồng, tăng 36%).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) cũng công bố báo cáo tài chính quý III.2018 với những tăng trưởng mạnh từ hoạt động dịch vụ.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý III tăng 31,7%, đạt 2.946 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 37% đạt 626 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng vọt 66% đạt 154 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 10% đạt 92 tỷ. Chỉ riêng hoạt động mua bán chứng khoán là khá thấp, chỉ lãi hơn 2 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng có báo cáo tài chính quý III.2018 cho thấy, dù thu nhập lãi thuần sụt giảm 7%  so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.266 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 21 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 9 tỷ), hoạt động kinh doanh khác bị lỗ 57 tỷ đồng... Song kết quả từ hoạt động dịch vụ cũng là điểm sáng của nhà băng này khi có lãi 42 tỷ, tăng 76% so với cùng kỳ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng bất ngờ tăng hơn 8 lần, đạt 86 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.014 tỷ đồng. Trong đó, kết quả mảng bán lẻ, thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm là 205 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), thu nhập lãi thuần của ngân hàng 9 tháng đầu năm đạt 1.551 tỷ đồng; trong đó, lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.

Còn tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UpCOM: KLB), trong quý III.2018, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 258 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 11%, đạt 14,5 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi gần 9 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bất ngờ có lãi 29 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 3 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác cũng đạt 9 tỷ đồng.

Một loạt các ngân hàng khác như: VCB, BID, Techcombank… dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3.2018 song đều được dự báo là sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng từ mảng dịch vụ.

Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh

Cũng theo báo cáo tài chính quý 3.2018 của các ngân hàng, mặc dù nợ xấu đang giảm mạnh nhưng ở một số ngân hàng, việc trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh nên đã phần nào “bào mòn” lợi nhuận trong quý.

Chẳng hạn, tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế trong quý III.2018 của nhà băng đạt 318 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro tới 664 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị "ăn mòn" khoảng 67,5%. Kết quả này khiến lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tại Sacombank tăng hơn 5 lần, lên 1.178 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn trên 1.300 tỷ đồng.

Dù vậy, điểm sáng của Sacombank là tổng nợ xấu đến hết quý III.2018 chỉ còn 8.067 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này đã giảm khá mạnh so với mức 4,67% hồi đầu năm. Tuy nhiên, nếu tính riêng ngân hàng mẹ Sacombank thì đến cuối quý 3.2018 thì tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,98% trên tổng dư nợ.

Tại LienVietPostBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III.2018 cũng tăng mạnh (tăng 89% lên 204 tỷ đồng), cùng với chi phí hoạt động cũng tăng 21%, lên 764 tỷ đồng đã khiến cho lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng này giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ còn 348 tỷ đồng. Ngoài ra, trong khi các ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu giảm dần thì tại nhà băng này, tổng nợ xấu đến cuối quý 3.2018 là 1.524 tỷ đồng, chiếm 1,32% tổng dư nợ, cao hơn so với con số 1,07% cuối năm 2017.

Có trích lập dự phòng khá “khủng” là tại Bac A Bank, tính đến 30.9.2018, ngân hàng này ghi nhận tổng số trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 1.123 tỷ đồng (dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 732,9 tỷ đồng và dự phòng trái phiếu VAMC 390,1 tỷ đồng). Nợ xấu của Bac A Bank cũng tăng 22,7% với gần 432 tỷ đồng, nâng tỉ lệ nợ xấu từ 0,63% cuối năm trước lên 0,71%.

Một số ngân hàng khác cũng tăng nhẹ chi phí dự phòng rủi ro, chẳng hạn tại MBB chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ 5% lên 646 tỷ đồng...