Dân Việt

Bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì?

Lương Kết 23/10/2018 06:57 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Tổng Bí thư là người nhiều kinh nghiệm công tác, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, nếu giữ hai chức vụ cao nhất cũng là phù hợp với giai đoạn hiện nay.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội (ảnh quochoi.vn)

Sáng nay (23.10), Quốc hội dành khoảng 30 phút để thảo luận tại Đoàn về nhân sự bầu Chủ tịch nước. Trước đó, vào cuối giờ chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Theo Tờ trình, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, hơn 2 năm nữa chúng ta kết thúc nhiệm kỳ, đây cũng là giai đoạn rất quan trọng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch từ 2016 -2020 như Quốc hội đề ra, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong khi tình hình thế giới hiện đang có những biến động hết sức khó lường, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn. Tình hình trong nước cũng có những khó khăn. Có thể nói đây là giai đoạn nhiều công việc phải giải quyết.

“Tổng Bí thư là người nhiều kinh nghiệm công tác, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, nếu giữ hai chức vụ cao nhất cũng là phù hợp với giai đoạn này”, ông Nghĩa nói.

Vẫn theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, Đảng ta là đảng cầm quyền thực hiện sự lãnh đạo toàn diện từ đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Còn Chủ tịch nước là người điều hành, đưa ra các lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng. “Một người giữ vị trí đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước sẽ tạo ra được thuận lợi, hài hòa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đất nước”, tướng Nghĩa nhìn nhận.

Vị đại biểu Quốc hội này nói thêm, người giữ hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước cần phải có chương trình kế hoạch rất khoa học, hợp lý, khi nào dành thời gian hoạt động bên Đảng, lúc nào dành thời gian hoạt động công việc của Chủ tịch nước, bởi đây là hai lĩnh vực, hai công việc khác nhau.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho biết, nguyên tắc của chúng ta là tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách. Đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng của đất nước như đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tập thể thảo luận rất kỹ lưỡng nên không lo việc người giữ nhiều chức vụ cao có thể dẫn tới chuyên quyền.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhắc lại việc tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng, 100% đã nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. “Tôi cho rằng sự tín nhiệm của Trung ương Đảng cũng thể hiện kỳ vọng của người dân cả nước. Qua thăm dò ý kiến của dư luận xã hội thấy người dân rất đồng tình ủng hộ. Cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu kỳ vọng và mong đợi kết quả rất cao khi bầu Chủ tịch nước”, đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cũng bày tỏ sự tin tưởng việc bầu Chủ tịch nước sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội. Ông nói: “Trong bối cảnh hiện nay, ý Đảng, lòng dân thấy rằng chúng ta cần phải có sự tập trung để lãnh đạo đất nước trong tình hình mới”.

Theo chương trình vào khoảng thời gian nửa sau buổi sáng 23.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử; Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu; Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín.

Từ 15 giờ chiều ngày 23.10, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Sau đó Chủ tịch nước tuyên thệ