Gần đây, có rất nhiều địa phương đề nghị sửa đổi một số tiêu chí về NTM, là người trực tiếp xây dựng bộ tiêu chí NTM, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
-Trước tiên, tôi khẳng định, nếu chúng ta muốn thành tích, thì hạ tiêu chuẩn xuống. Còn đối với một nước, đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như nước ta, thì thu nhập người nông dân nhất thiết phải tăng lên tối thiểu 1,4 lần.
Xây dựng NTM ở Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định). |
Không thể nói con số, thu nhập tăng so với xã, nếu nói như thế, chúng ta sẽ có cả hàng nghìn chỉ tiêu về thu nhập, hơn nữa nếu tính như thế, vùng nghèo sẽ tiếp tục nghèo. Tôi cho rằng, mới có 1 năm thực hiện, chúng ta đã đòi sửa là hơi vội, chúng ta phải nhìn cho dài hạn đến năm 2020 và xa hơn nữa. Tất nhiên, những tiêu chí nào không phù hợp cũng phải sửa hoặc tiêu chí nào chưa phù hợp, thì phải để đó đã.
Quốc hội đã phê duyệt tổng kinh phí cho Chương trình xây dựng NTM cả giai đoạn 2012-2015 là 12.000 tỷ đồng, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nguồn vốn trên mới đáp ứng được 11% nhu cầu. Theo ông, với nguồn vốn ít ỏi như thế, liệu chúng ta có đạt được các mục tiêu về xây dựng NTM?
- Tôi thấy một điều rất mừng, cả 16 Chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội thông qua đều diễn ra trên địa bàn nông thôn khác với trước đây chỉ diễn ra trên một số vùng hay một số đối tượng. Quốc hội cũng đã dành ra tới 27.000 tỷ đồng cho 16 Chương trình này. Bây giờ, nói có đủ hay không đủ, cũng chưa thể đánh giá được, nhưng chúng ta cần chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là cho vùng khó khăn để cải thiện hạ tầng, đời sống nhân dân.
Có thực tế, hiện có nhiều xã vẫn còn tâm lý đầu tư xây dựng NTM theo dự án và chỉ chờ Nhà nước cấp vốn, rồi mới thực hiện các chương trình, ông nghĩ ra sao về tình trạng này?
-Thực ra, trước đây đúng là như vậy, khi xây dựng NTM, các xã chỉ nghĩ đến dự án, còn bây giờ, đa số đã hiểu, không phải hoàn toàn như vậy. Về tình trạng trông chờ, theo tôi bây giờ cũng không hoàn toàn thế, vì như trong năm 2011, Nhà nước chỉ đầu tư có 1.600 tỷ đồng cho cả Chương trình, nhưng ngay các địa phương họ đã huy động được nguồn vốn gấp tới cả mấy chục lần (hơn 31.400 tỷ đồng).
Chương trình NTM có thể bao hàm nhiều dự án, còn chúng ta cứ chẻ chữ cần xác định NTM là chương trình hay quá trình, công cuộc hay sự nghiệp, hãy để các nhà khoa học lý luận, nghiên cứu. Còn còn những người tổ chức thực hiện hãy bắt tay vào cuộc thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ta, trong quá trình thực hiện, có gì thì giải quyết, tháo gỡ.
Được biết, hiện các bộ, ngành cũng đang tiến hành sửa đổi một số điều trong Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, với 7 công trình cứng, T.Ư sẽ không hỗ trợ 100% kinh phí, liệu việc sửa này có làm các địa phương khó khăn về nguồn vốn, thưa ông?
- Thực ra, điều chỉnh từ ngân sách T.Ư trong Quyết định 800 thành ngân sách Nhà nước là đúng hơn, vì ngân sách Nhà nước sẽ bao gồm ngân sách của chính quyền các cấp ở địa phương nữa. Còn sẽ hỗ trợ giữa 7 công trình hay 3-4 công trình và có hỗ trợ một nửa hay không, thì chúng ta phải bàn tiếp. Bởi có những công trình, ai có tiền muốn làm, cũng không cho làm, chẳng hạn như trụ sở xã không thể để cho doanh nghiệp làm được, mà Nhà nước phải làm hay vấn đề đào tạo nghề cho dân, cũng phải mở ra được chính sách để cho dân và các doanh nghiệp tham gia.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện)