Đây có phải là lý do quan trọng khiến Quan Công quyết rời bỏ Tào Mạnh Đức, qua 5 ải chém 6 tướng Ngụy?!
Tại sao Quan Vũ là ông tổ nghề thợ cạo?
Quan Vũ, tự là Quan Vân Trường, dân thường kêu bằng Quan Công. Quan Công nổi tiếng bởi rất coi trọng tình nghĩa. Khi sa vào tay Tào Tháo, Quan Công được Tào Tháo đối xử hết sức tử tế, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, lên ngựa thưởng một nén vàng, xuống ngựa thưởng một nén bạc.
Quan Công cũng biết vậy: “Tào Công đãi ta cực hậu”. Nhưng không vì thế mà Quan Công phản bội Lưu Bị. Do vậy, Tào Tháo càng kính nể, nên khi nghe tin Lưu Bị ở chỗ Viên Thiệu, Quan Công bỏ đi, Tào Tháo cũng không đem quân đuổi theo.
Quan Công được suy tôn là Thần Tài đã đành, nhưng điều khó lí giải: ông còn được tôn là tổ sư của nghề thợ cạo. Thời Hán, người ta để tóc dài, do đó không có nghề thợ cạo. Có lẽ ông sử dụng thanh long đao - rất giống người thợ cạo sau này, luôn có “con dao cạo” trên tay, nên người ta mới “gán” cho ông là tổ sư của nghề này chăng?
Lần gian trá duy nhất trong đời Quan Vũ
Quan Vũ cũng có lần gian trá, và có lẽ là lần gian trá duy nhất trong đời. Đó là chuyện ông đánh tráo cây long đao.
Chuyện kể như sau: Một gia đình có cây long đao của tổ tiên để lại. Nó quá nặng, 80 cân thời ấy (bằng 40 kilôgam) không ai sử dụng nổi, để trong nhà thì vướng, gia đình đó đem thả xuống một cái vực, thi thoảng mới lấy lên xem có han gỉ hay không.
Cây long đao cực tốt, ngâm dưới nước mà không hề hấn gì. Biết chuyện, Quan Vũ hỏi mượn, múa thử thấy vừa tay, rất ưng ý bèn hỏi mua.
Nhưng vì là của gia bảo, gia đình kia không bán, chỉ cho mượn một thời gian rồi đòi lại. Quan Vũ bèn nghĩ ra một kế: đánh tráo cây long đao. Ông ngầm sai người thân tín rèn một cây long đao đúng như nguyên mẫu rồi đem trả. Gia đình kia nhận lại cây đao mà không biết là của giả. Có chuyện như vậy, nhưng người đời không coi đó là gian trá, trái lại, còn tán thưởng vì họ chịu ảnh hưởng câu y phục xứng kỳ đức, Quan Vũ xứng đáng được dùng cây long đao đó.
Không được liệt vào hàng mưu trí
Quan Vũ võ nghệ siêu quần, muôn người khôn địch. Sai lầm lớn nhất của ông là chủ quan khinh địch, không nghe theo lời khuyên của Vương Phủ đến nỗi bị vây khốn ở Mạch Thành, cuối cùng sa vào tay Lã Mông, hai cha con đều bị giết.
Màn Quan Công hiển thánh chẳng qua là vớt vát đôi chút uy tín, không đủ chứng minh ông là con người trí dũng song toàn (vì thực ra Quan Vũ không được liệt vào hàng mưu trí). Vì vậy như trên đã nói, trong dân gian người ta thờ ông là thờ Thần Tài, mong được ông phù hộ luôn buôn may bán đắt trong kinh doanh, chứ không thờ ông như một vị Thánh. Mà nếu được một số người coi là Thánh, thì là Thánh ở Trung Quốc, chứ không phải Thánh ở nước khác như có người lầm tưởng. Nhiều người trong chúng ta hiểu sai ý nghĩa này.
Quan Vũ có thể được suy tôn làm... Thần ái tình
Nhưng có một chuyện mà ít người biết nếu không đọc Thục ký và Hoa dương quốc chí hoặc Tam quốc chí - Quan Vũ truyện.
Đó là Quan Công từng yêu tha thiết một thiếu nữ, nhiều lần đề nghị Táo Tháo cho lấy làm vợ.
Thấy vậy, Tào Tháo đoán người con gái kia chắc thuộc loại người khác thường, bí mật sai người đi triệu về thì nàng quả thật “chim sa cá lặn”, nổi máu tham Tào Tháo liền “chiếm làm của riêng”.
Khi Quan Vũ biết chuyện thì “ván đã đóng thuyền”, ông vô cùng đau khổ. Có thể nói, Quan Công vì nghĩa khí mà không hàng Tào, nhưng còn một lí do quan trọng không kém, đó là vì bị Tào Tháo cướp mất người yêu. Chỉ riêng chuyện này, Tào Tháo đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của Quan Vũ.
Trong Tam quốc, Quan Công là nhân vật duy nhất công khai bộc lộ tình yêu nam nữ. Ông khác với các anh hùng hào kiệt, các chính nhân quân tử trong xã hội cổ truyền Trung Quốc ở điểm này. Trong Tam quốc diễn nghĩa và trong Thủy hử, các anh hùng hào kiệt đều không có tình yêu nam nữ mà chỉ có quan hệ vợ chồng theo tông pháp. Vì sao vậy? Điều này liên quan đến văn hóa Trung Quốc, phần cuối bài viết này sẽ nói rõ. Lẽ ra, Quan Vũ phải được suy tôn là Thần Ái tình mới đúng.
“Tam quốc diễn nghĩa” có vị thế như thế nào?
Đừng cho rằng hình tượng văn học hoặc hình tượng dân gian chỉ là hư cấu, không tác dụng gì. Trên thực tế, nhiều người coi Tam quốc diễn nghĩa như sách giáo khoa của cuộc đời.
Nhà sử học Tôn Lê từng nói: “Các mưu sĩ coi đây là cái túi khôn, người làm tướng coi đây là một bồ mưu lược”. Nhà lí luận văn học hiện đại Tiền Chung Thư có nói về người đời sau học tập Không thành kế của Khổng Minh như sau: Không thành kế là điển hình về “không lừa dối mà khiến người mắc lừa... không có quân mà thản nhiên cho người khác biết là không có quân mà tin rằng có quân, cho người khác biết thực trạng mà không tin vào thực trạng ấy, tức là siêu lừa”.
Lời bình của cha con Mao Tôn Cương cũng chí lý: “Người cẩn thận không dám liều, nhưng chỉ người cẩn thận mới dám liều... Tư Mã Ý tin rằng Khổng Minh vốn rất thận trọng, không dám liều, nên mới bị lừa”.
Ngụy Hi bình luận càng thú vị: “Nếu gặp bọn cướp thời bây giờ cứ xông bừa, chắc là tóm được Khổng Minh”. Có thể thấy, dù là hình tượng văn học hay hình tượng dân gian đều để lại những gợi ý cho người đời. Sự hình thành và lưu truyền một hình tượng nào đó là có lí do của nó. Nhiệm vụ của các nhà sử học là tìm ra cái lý ấy. Điều này quả không dễ.
Thực ra, lịch sử có ba hình tượng thì lịch sử cũng có ba cách đọc. Cách thứ nhất là đứng trên lập trường cổ nhân mà đọc, cách mà Tiền Chung Thư gọi là “ý kiến của lịch sử”. Hai là đứng trên lập trường hiện đại mà đọc, Tiền Chung Thư gọi là “ý kiến thời nay”. Ba là đứng trên lập trường cá nhân mà đọc, gọi là “ý kiến cá nhân”. Bất kể ai nói về lịch sử đều phải đụng đến ba ý kiến này.