Dân Việt

Đại Hưng vượt khó ngoạn mục bằng “đòn bẩy” vườn - rừng

Trần Hậu – Trương Hồng 25/10/2018 10:10 GMT+7
Từ một vùng quê nghèo, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn, thế nhưng chỉ sau một thời gian triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, đã có những đổi thay ngoạn mục. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên đáng kể.

Tập trung đầu tư hạ tầng

Ông Hà Xuân Minh – Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, xã có xuất phát điểm thấp khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân cư sống rải rác, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thời gian qua xã đã nỗ lực thực hiện từng bước.

img

Kinh tế vườn rừng là động lực thúc đẩy xã Đại Hưng phát triển đi lên. Ảnh: T.H

Hiện nay 10/10 thôn đều có nhà văn hóa, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây mới và sửa chữa; 4/10 thôn có sân thể thao, tuy nhiên về diện tích sân thể thao và kết cấu nhà văn hóa hiện nay đều chưa đạt chuẩn.

Đại Hưng cần xây mới 4 nhà văn hóa và 10 khu thể thao thôn; sửa chữa nâng cấp 6 nhà văn hóa. Chợ trung tâm xã (3.000m2) chưa có nhà để xe và các công trình phụ trợ khác...

Theo ông Minh, công tác tuyên truyền, vận động luôn được xã chú trọng, để người dân hiểu đúng và đủ về vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình, qua đó phát huy được sức mạnh, tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện các phần việc trong khả năng.

Nhờ vậy, trong những năm qua, xã đã huy động triển khai tốt những phần việc nằm trong khả năng của dân đó là góp công, hiến đất đai, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn.

Giai đoạn 2015-2018, Đại Hưng đã bê tông hóa được 8,586km đường trục xã, xây dựng được 16,498km đường trục thôn, 0,5km đường ngõ xóm. Hệ thống thủy lợi của xã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu phụ vụ sản xuất của người dân.

Công tác quản lý khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi được đảm bảo, bê tông hóa kênh chính do xã quản lý là 10,831km. Về xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung xây dựng nhà ở trong nhân dân, xây dựng 3 phòng học mẫu giáo tại Gò Dinh, kiên cố hóa kênh thủy lợi làng Yều dài 430,2m, làm cầu, cống nâng cấp đường ĐT609, nâng cấp đập Chấn Sơn...

“Đến nay xã Đại Hưng đã đạt được 12/19 tiêu chí. Năm 2018 xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: Hộ nghèo, văn hóa, giao thông, nâng tổng số tiêu chí đạt được 15/19 tiêu chí vào cuối năm nay. Còn 4 tiêu chí gồm: Cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, thu nhập, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, xã tiếp tục đầu tư xây dựng trong thời gian tới…” – ông Minh cho hay.

Đòn bẩy vườn, rừng

img

Cơ sở vật chất trường học trên địa bàn được đầu tư khang trang hơn trước.

Ông Tăng Tấn Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, đời sống của đại bộ phận nhân dân ở xã này trước đây gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, bà con nhân dân trên địa bàn đã mạnh dạn đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và phát triển kinh tế gia trại, trang trại chăn nuôi kết hợp để nuôi gà, bò, heo, hay mô hình mới như trồng cây ăn quả… đã giúp cho đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá.

“Toàn xã có hơn 2.221ha rừng, chủ yếu trồng cây keo lai, keo lá tràm, với hơn 1.000 hộ tham gia. Trước đây có rất nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị bỏ hoang, song hiện nay đã được người dân tận dụng để trồng rừng và các loại cây ăn quả. Xác định keo nguyên liệu là cây sản xuất chủ lực, là cây phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu của Đại Hưng để góp phần giảm nghèo bền vững, vì vậy trong những năm qua, địa phương khuyến khích bà con nhân dân đẩy mạnh trồng rừng. Nhờ làm tốt công tác này, những mảnh đất rừng cằn cỗi ở Đại Hưng bây giờ đã được phủ lên màu xanh của rừng keo” – ông Tịnh chia sẻ.

Tiêu biểu trong mô hình trồng rừng phải kể đến hộ ông Nguyễn Công ở thôn Thạnh Đại, hay hộ ông Nguyễn Xuân Lợi thôn An Tân… mỗi hộ trồng khoảng 15-20ha, thu nhập bình quân 150-200 triệu đồng/năm.

Mô hình phát triển vùng cây ăn quả cũng được xã đẩy mạnh. Đến nay đã có hơn 50 hộ tham gia với diện tích hơn 10ha, dự kiến sẽ tăng lên 20ha vào năm 2020, với các loại cây ăn trái như: Mít, cam, chanh, bưởi da xanh, na cao sản… Nhờ trồng cây ăn quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, như hộ ông Nguyễn Hạt, ông Trần Hiệp (thôn Thái Sơn)…