Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars RS-24 trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga vào hôm 9.5.2018. Ảnh: Reuters.
Trả lời các phóng viên vào hôm qua (22.10), phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận rằng dự định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước INF là một hành động có thể khiến “cả thế giới gặp nguy hiểm lớn hơn”.
“Điều này có nghĩa là nước Mỹ không che dấu mà còn công khai bắt đầu phát triển những hệ thống vũ khí (hạt nhân tầm trung – PV) trong tương lai. Nếu các hệ thống này được phát triển thì các nước khác, trong đó có Nga, sẽ phải có những bước đi để cân bằng lại sức mạnh”, ông Peskov nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, Moscow cũng đưa ra tín hiệu chủ động giảm nhẹ tình hình hiện tại. Cụ thể, phía Nga sẵn sàng đối thoại nhằm làm rõ với Mỹ tình hình thực thi Hiệp ước INF, qua đó xóa đi nỗi lo ngại của Washington rằng Moscow đang vi phạm các điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận.
Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm Trung (INF) được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết vào năm 1987, quy định cấm toàn bộ các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500-5.500km.
Được biết, chính bản thân ông Gorbachev, nay đã 87 tuổi, mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng phá hoại INF sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc, gây ra hậu quả nghiêm trọng.