Về mặt bằng chung, tỷ lệ chấp thuận hồ sơ tảo hôn cho các gia đình Hồi giáo trong năm 2015 ở Malaysia là 81%. Ảnh: The Star.
Theo Viện Penang – cơ quan cố vấn cho chính phủ Malaysia, các số liệu cho thấy trong khoảng thời gian 10 năm (2005-2015), đã có 10.240 người Hồi giáo nộp đơn xin phép cưới vợ/chồng tuổi vị thành niên (ở Việt Nam được gọi là tảo hôn). Còn với những người không phải tín hữu Đạo Hồi, trong khoảng thời gian 14 năm (2000-2014), có tới 7.719 nam giới nộp đơn xin cưới những cô vợ ở độ tuổi 16-18.
Bộ Tư pháp Hồi giáo Malaysia cho biết, trong khoảng thời gian từ 2005-2015, các khu vực nắm giữ lượng hồ sơ xin tảo hôn nhiều nhất là Sarawak (2.064 hồ sơ), Kelantan (1.929 hồ sơ) và Terengganu (924 hồ sơ).
Trong nghiên cứu có tên “Tảo hôn ở Malaysia: Hiện thực, Cầu cứu và Trông cậy (Child Marriages In Malaysia: Reality, Resistance And Recourse), nhà phân tích, nghiên cứu chính trị Ooi Kok Hin của Viện Penang cũng tiết lộ rằng trong khoảng thời gian từ năm 2000-2014, Sarawak đã có tới 1.750 hồ sơ xin tảo hôn – toàn bộ đều từ những gia đình không theo Đạo Hồi. Trong khi đó, Penang có 250 hồ sơ, Selangor có khoảng 700 hồ sơ xin tảo hôn không từ các gia đình Đạo Hồi.
Về mặt bằng chung, tỷ lệ chấp thuận hồ sơ tảo hôn cho các gia đình Hồi giáo trong năm 2015 là 81%.
“Các thẩm phán của Tòa án Hồi giáo thông qua 8/10 hồ sơ tảo hôn”, ông Ooi giải thích.
Được biết, tại Malaysia, nếu không phải là tín hữu Hồi giáo và muốn cưới vợ/chồng dưới 18 tuổi, công dân Malaysia sẽ phải có được sự chấp thuận của Menteri Besar – Thống đốc các bang, vùng ở Malaysia. Còn theo Đạo luật Cải cách Tư pháp (Hôn nhân và Ly hôn) năm 1976, việc tảo hôn cho người không phải Đạo Hồi dưới 16 tuổi sẽ bị cấm.
“Tảo hôn không phải là một vấn đề nóng ở Malaysia. Chúng tôi thường xuyên phải giải quyết các trường hợp trẻ em bỗng nhiên bị ép buộc phải làm quen với các hành vi tình dục khi cơ thể và tâm lý của các em còn chưa sẵn sàng”, ông Ooi nói.