Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico
UBND TP. Cần Thơ chính thức ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) vì đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được thu đổi ngoại tệ.
Theo đó, anh Nguyễn Cà Rê chịu mức xử phạt hành chính lên tới 90 triệu đồng khi thực hiện đổi 100 USD tại 1 cửa hàng vàng trên địa bàn Thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.
Quản thị trường không tốt, đừng đổ tội cho dân
Thưa ông, dư luận hiện đang xôn xao và có nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD tại tiệm vàng và bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Theo tôi việc xử phạt này "không sai" nhưng "chưa hợp lý". “Không sai” đó là việc trao đổi USD của anh Rê là hành vi vi phạm quy định về pháp lệnh ngoại hối hiện nay của Việt Nam. Như vậy, căn cứ xử phạt là có căn cứ vì pháp lệnh ngoại hối cấm những trường hợp thu đổi mua bán ngoại tệ và thanh toán giá, niêm yết bằng ngoại tệ tại Việt Nam nếu không được phép của NHNN. Đồng thời, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP cũng đã đưa ra mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng cho hành vị mua bán, thu đổi ngoại tệ trái phép.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, anh Rê đổi 100 USD mà bị phạt tới 90 triệu đồng là "quá cao và vô lý", không công bằng và hợp lý.
Xử phạt người chuyên nghiệp, kinh doanh vi phạm hệ thống... thì còn chấp nhận vài trăm triệu nhưng với người dân họ chỉ đổi không phải 100 USD mà có nhiều khi chỉ là 2 USD, 10 USD cũng bị phạt 80 -100 triệu đồng. Rõ ràng là đang có sự cào bằng với mọi loai vi phạm, cào bằng giữa người tổ chức thị trường và tham gia thị trường.
Anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng
Trên thực tế, cơ quan chức năng hay lấy mức xử phạt thấp nhất, cao nhất áp dụng mà không cần tính đến răn đe nặng nhẹ gì. Tuy nhiên giờ đến lúc này phải xem lại quy định, phải so với mức chung của quy định ngân hàng, vi phạm hành chính khác.
Xử phạt vi phạm hành chính được cho là biện pháp để tạo sự răn đe cho mọi đối tượng. Trong trường hợp này, mục đích của xử phạt vi phạm hành chính có đạt được hay không, thưa ông?
Đúng là xử phạt vi phạm hành chính có 2 mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất đó là áp chế tài lên người vi phạm để nhắc nhở giáo dục họ và cái thứ hai đó là để phòng ngừa, răn đe hay cảnh giác cho tất cả mọi người, cho cả cộng đồng trước sai phạm đấy. Điều này liên quan đến nhận thức và cho mọi người biết được trật tự trong quản lý nhà nước.
Qua việc xử phạt hành chính 90 triệu đối với anh Rê (Cần Thơ) thì cả 2 mục đích này theo tôi đều không đạt, cả ngăn ngừa chung lẫn ngăn ngừa riêng.
Thứ nhất, không phủ nhận một thực tế, đó là các tỉnh thành trong cả nước đều xảy ra hiện tượng vi phạm quy định pháp lệnh ngoại hối về giao dịch ngoại tệ đang diễn ra hàng ngày, tràn lan và rất phổ biến mà cơ quan quản lý không quản lý nổi.
"Pháp lệnh ngoại hối cấm thanh toán hay niêm yết bằng ngoại tệ thế nhưng có thể thấy trên các webside, trên mạng xã hội…hoặc thậm chí bảng niêm yết giá cả dịch vụ của khách sạn, máy tính hay bán đồ gia dụng thì họ vẫn sử dụng ngoại tệ một cách công khai. Thậm chí, bây giờ người ta muốn mua 1 ít ngoại tệ họ đến bất cứ đâu như các cửa hàng vàng ở các tỉnh thành đều rất dễ mua bán mà không hề xử lý. Với những sai phạm công khai như vậy thì việc xử lý hành chính đối với một sự việc đổi 100 USD có ý nghĩa gì trong việc ngăn ngừa riêng cũng như phòng ngừa chung? Theo tôi người ta chỉ thấy sự hài hước ở đấy thôi!" Luật sư Trần Minh Hải, Basico |
Thêm một lý do nữa, đó là bất cập ở trong xử lý, quản lý pháp luật của mình. Việc phân định đúng hay sai về pháp luật thường diễn ra tại tòa án, nhưng theo tôi thấy thì hầu như các tòa án hiện nay đều coi thường quy định về quản lý ngoại hối đó.
Chính tôi đã từng thụ lý một vụ việc mà trong đó 2 doanh nghiệp thuê Bất động sản với nhau nhưng dùng ngoại tệ để giao dịch, niêm yết giá dịch vụ đều bằng ngoại tệ. Thế nhưng, khi ra tòa, tòa vẫn không tuyên vô hiệu. Nguyên nhân là vì tòa áp dụng một quy định cũ rích để phán xét. Tòa áp dụng tinh thần hướng dẫn trước đây về việc nếu niêm yết bằng ngoại tệ mà thanh toán bằng tiền Việt thì vẫn có thể châm trước được, không tuyên vô hiệu. Điều đó trái hoàn toàn với pháp lệnh ngoại hối hiện nay.
Giao dịch đó sau cùng lại không bị toà án tuyên vô hiệu, dù số tiền trao đổi lớn hơn nhiều tờ tiền 100 USD của ông Rê ở Cần Thơ.
Nhìn từ hai sự việc này, rõ ràng là con voi thì chui lọt nhưng con kiến thì không cho qua. Dẫn tới cuối cùng là cả hai mục tiêu của xử phạt hành chính đều không đạt được khi sự bất hợp lý quá rõ ràng như vậy.
Thế nhưng có những quan điểm cho rằng, đã vi phạm thì phải xử theo luật nếu không thì có thể dẫn tới những án lệ khác. Ông có đồng tình hay không?
Nói như thế cũng đúng. Nhưng nói như thế thì phải giải thích hiện tượng là tại sao “con voi chui lọt, con kiến không qua”.
Công bằng pháp luật luôn phải thể hiện ở nhiều khía cạnh. Sao anh không bắt đầu bằng những vi phạm đang diễn ra trên thị trường hàng ngày, hàng giờ và những giá trị cực lớn mà anh lại chọn một sự việc quá nhỏ. Trong khi chế tài xử lý lại quá nặng, gần như kịch khung luôn?
Điều quan trọng của quản lý nhà nước là phải công bằng. Nếu không duy trì được tính công bằng thì mọi giải thích đều không có ý nghĩa.
Tôi nghĩ rất đơn giản, chúng ta duy trì cả một bộ máy nhà nước để quản lý trật tự kinh doanh, nếu không quản lý được thị trường thì không thể trách người dân.
Nếu anh quản lý tốt thì chỉ những nơi được cấp phép mua bán ngoại tệ mới đổi tiền, nhưng do quản lý chưa tốt nên người dân đến đâu cũng có thể đổi được, vì họ đâu biết đơn vị này có được cấp phép hay không.
Muốn quản lý thị trường tốt, phải bắt đầu tư "con voi" chứ không phải "con kiến"
Liệu có phải do bán USD chợ đen sẽ “được giá” hơn so với bán tại ngân hàng nên mới dễ dẫn tới tình trạng người dân tìm đến các cơ sở mua, bán ngoại tệ phi chính thức để giao dịch mà không cần biết họ có hoạt động bất hợp pháp hay không?
Tôi không nghĩ thế, tôi chỉ nghĩ một câu chuyện cơ bản rằng bất cứ ai đều có quyền cầm tờ tiền của mình đi để quy đổi.
Tôi mà là người dân thì tôi cũng đi đổi như vậy. Ở đây có vô số cửa hàng mua, bán USD nhưng cái nào được phép cái nào không gần như không công khai. Nếu không công khai thì làm sao người dân biết được. Việc kêu người dân khi đi đổi thì phải tìm hiểu xem nơi mình đổi có được cấp phép hay không đó chỉ là sách vở. Đó chỉ là lý thuyết còn thực tế họ đến nơi giao dịch thuận tiện nhất để thực hiện giao dịch.
Người tổ chức thị trường chưa tốt, không thể đổ lỗi cho người tham gia thị trường
Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay người dân cần làm gì để không rơi vào tình trạng như anh Rê?
Thực hiện đúng pháp luật thì đến các ngân hàng bởi bất cứ ngân hàng nào thì đều được NHNN cho phép mua, bán giao dịch ngoại hối.
Nhưng thực sự thì tôi cũng không muốn khuyên gì với người dân trong trường hợp này, bởi có khuyên họ cũng không làm gì được. Đây hoàn toàn là câu chuyện tránh cho người dân sai phạm là cơ quan quản lý phải làm đúng. Muốn tránh sai phạm thì gốc rễ vẫn từ câu chuyện quản lý. Biện pháp kiểm tra, giám sát từ phía NHNN sao không thể hiện?
Theo quan sát của tôi, thì từ trước đến nay việc xử lý những tổ chức kinh doanh ngoại hối bất hợp pháp có nhưng rất hiếm. Chế tài đã có nhưng vì thực hiện chưa nghiêm nên những “con voi” này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì vậy sau sự việc này tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý cần sớm siết lại hoạt động mua, bán trao đổi ngoại hối.
Nhưng tôi nhấn mạnh, phải bắt đầu từ những “con voi” chứ không phải “con kiến”. Như thế mới hợp tình hợp lý
Xin cám ơn ông!