Hàng loạt vấn đề được mổ xẻ tại phiên Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 24.10 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như: 12 dự án thua lỗ, tình trạng cán bộ dính líu đến tiêu cực…
"Đừng mặc áo quá đầu"
Đánh giá chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kết quả đạt được trong thời gian qua là "tương đối toàn diện". Người đứng đầu Chính phủ lưu ý kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Song, câu hỏi lớn là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp (DN) có đạt được không?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thuỳ Dương
Để làm được điều này, các địa phương cần cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình DN từ người dân; tiếp tục phát triển FDI có chọn lọc, liên kết 2 khối kinh tế. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý không "mặc áo quá đầu" và phải "liệu cơm gắp mắm" để giữ cân đối trong đầu tư.
"Liên quan đến nợ công, đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng phải đúng mức, hiệu quả. Tất nhiên, nếu dừng lại không làm gì cũng chết nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn" - Thủ tướng nói thêm.
Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), 3 năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn nên tốc độ tăng thu ngân sách vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế. Song, 3 năm đều vượt thu từ đất, xổ số và tài nguyên. Còn 3 khoản quan trọng nhất là thu từ DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ cổ phần hóa đều hụt. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối. Thu ngân sách trung ương cũng giảm so với giai đoạn trước sẽ khiến chúng ta không làm được các công trình quan trọng quốc gia.
Về nợ công, ông Hàm đánh giá quy mô nợ rất lớn, ngân sách trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa. Mỗi năm có thể mất 400.000 tỷ đồng để trả nợ lãi và gốc, tương đương với tổng chi đầu tư.
Vị ĐB kiến nghị ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay phải làm sao tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn.
12 dự án thua lỗ: Không xóa trách nhiệm
Tại tổ TP.HCM, liên quan đến vụ Thủ Thiêm, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ còn nhiều khó khăn về mặt pháp lý trong việc xử lý các kiến nghị của người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo lập một số tổ công tác do chủ tịch UBND chịu trách nhiệm giải quyết. Các tổ công tác đã rà soát, khảo sát thực tiễn, nghe ý kiến người dân để đề xuất một số vấn đề xử lý, giải quyết. Chủ tịch UBND TP cũng đã tiếp dân, họp báo công khai xin lỗi và đưa ra một số phương án thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Tinh thần chung là bảo đảm quyền lợi người dân, thảo luận với người dân, không áp đặt. Hiện người dân Thủ Thiêm khi phát biểu rất ngại mình sẽ bị áp đặt một mức giá, phương án nào đó. Lãnh đạo TP khẳng định là không áp đặt mà căn cứ vào quy định pháp luật theo từng thời điểm, thảo luận với người dân, tạo sự đồng thuận" - ĐB Quyết Tâm nhấn mạnh.
Đề cập 12 dự án thua lỗ ngành công thương, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: "Thông điệp chung là cố gắng đưa nguồn vốn từ các dự án vào nền kinh tế để phát triển, nảy nở nhưng những người làm nên khoản lỗ không vì nỗ lực hiện nay mà thoát được".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định khi xử lý các dự án, tinh thần là làm rất nghiêm túc đầy đủ, không có chuyện "vì làm tốt việc khắc phục để xóa nhẹ câu chuyện trách nhiệm". Còn Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh cần xử lý nghiêm nhưng làm sao chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các dự án, thu hồi tiền, tài sản thất thoát của nhà nước.