Dân Việt

Ly kỳ cuộc đấu phép giữa Cao Biền và thần Long Đỗ

Vũ Tiến Đức 26/10/2018 20:35 GMT+7
Thế kỷ 9, Cao Biền được triều Đường cử sang làm Tiết độ sứ ở An Nam. Đây là một viên quan được cho là rất giỏi phong thủy, đã trấn yểm nhiều long mạch của nước ta. Tuy nhiên Cao Biền đã phải chịu thất bại khi gặp linh khí đất Thăng Long.

Thần Long Đỗ là một trong bốn vị thần linh thiêng ở Thăng Long – Hà Nội. Ngày nay, đền thờ thần còn gọi là đền Bạch Mã nằm ở số 76 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Bạch Mã cũng chính là một trong Thăng Long Tứ Trấn nổi tiếng ở đất kinh kỳ. Sự tích về thần Long Đỗ gắn chặt với các sự kiện lớn của đất Thăng Long. Bởi thế, ngài còn được coi là Thành hoàng của kinh đô. Một trong những sự tích ly kỳ nhất về thần Long Đỗ được dân gian truyền tụng là việc phá sự trấn yểm của Cao Biền.

Cuối thời Đường, sự phản kháng của nhân dân ta ngày càng tăng lên. Những cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, Mai Thúc Loan tuy cuối cùng đều bị đàn áp song đã làm lung lay thêm cái nền đô hộ mấy trăm năm của giặc phương Bắc. Trong bối cảnh ấy, Cao Biền được triều Đường cử sang làm tiết độ sứ cai trị dân ta (năm Bính Tuất – 866 theo Đại việt sử ký toàn thư, kỷ thuộc Tùy Đường).

img

 Đền Bạch Mã – nơi thờ thần Long Đỗ.

Sử sách và cả truyện dân gian truyền miệng nói khá nhiều về viên Tiết độ sứ này. Xung quanh nhân vật này hiện lên những ánh hào quang lung linh thần thoại. Người ta truyền rằng, sau khi đã yên vị chức Tiết độ sứ ở An Nam, Cao Biền bèn cưỡi chim thần đi khắp nước Việt để xem hết các phúc địa. Hễ thấy chỗ đất nào có “long mạch” (chỗ đất tốt khi táng mồ mả ông bà vào đó thì con cháu sau này phát đế vương) thì dùng tà phép trấn yểm hết để người Việt mãi mãi không vùng lên được. Nào là chuyện vãi hạt đậu thành binh lính, nào là việc trồng cây, đào hào để phá long mạch. Các câu chuyện cổ tích, thần thoại thì luôn luôn hấp dẫn về sự tài phép và luôn được người kể thêu dệt thêm cho nên lại càng lung linh huyền ảo.

Cao Biền tài phép là thế nhưng rồi y cũng phải bó tay chịu thất bại ở ngay trong chính đất Đại La – thủ phủ mà y chọn để cai trị nước ta. Trong sách Việt Điện U Linh có một giai thoại kể rằng: Khi Cao Biền đang cho đắp thành Đại La thì thấy trời đất tối đen lại, một vị thần ngồi trên lưng rồng vàng lượn quanh thành mới đắp một vòng. Y rất là run sợ, vội đem vàng và đồng đúc thành một tượng theo hình dáng vị thần trong mơ rồi dùng bùa để trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền nằm mơ thấy vị thần ấy nói rằng: Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi nơi đây việc gì mà phải trấn yểm. Sáng hôm sau, Cao Biền sai người đi xem lại những chỗ đã trấn yểm thì thấy đồng sắt đều tan nát cả. Sau đó, Cao Biền sợ hãi lập đền Long Đỗ thờ thần ở trong thành. Đánh giá về giai thoại này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, đó là một biểu hiện phản kháng trong lĩnh vực văn hóa. Nếu như nhà Đường cố tạo cho Cao Biền nhiều tài phép để hù dọa dân ta, thì "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", dân ta cũng có một vị thần không sợ tài phép của Cao Biền.

img

 Tranh mô tả Cao Biền bay đi quan sát sông núi nước ta để trấn yểm các long mạch.

Gần 200 năm sau, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010) cũng lại có một giai thoại nữa liên quan đến thần Long Đỗ. Khi nhà vua đi thuyền từ Hoa Lư ra đến thành Đại La, thuyền vừa cập bến thì thấy rồng vàng bay lên bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long. Việc đầu tiên Thái Tổ quan tâm là xây dựng Thăng Long thành một trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Triều đình đã xuất nhiều tiền của, huy động nhiều sức dân để đắp thành Thăng Long. Nhưng quái lạ là thành cứ đắp xong thì lại bị sụt lún. Nghe tiếng thần Long Đỗ linh thiêng, nhà vua đến cầu khấn. Sau đấy, vào một buổi sáng từ đền thờ thần Long Đỗ hiện ra một con ngựa trắng đi từ đền ra quanh khu vực thành đang đắp. Ngựa đi một vòng để lại dấu chân rồi trở về đền và biến mất. Nhà vua y dấu chân ấy xây thành thì thành không bị sụt nữa. Từ đấy đền có tên nữa là đền Bạch Mã.

Thực ra đây là một mô típ đã có từ thời cổ. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ngoại kỷ còn chép chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Khi ấy, thành cứ xây xong lại đổ xuống. Sau thành chỉ đứng vững được khi xây theo dấu chân thần Kim Quy. Nhà chép sử nổi tiếng Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn rằng: chuyện rùa vàng có đáng tin không? …. An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè dặt sức dân, cho nên thần minh nhập vào rùa vàng để răn bảo, thế chẳng phải là làm cho dân oán trách quá mà đến thế ư?

Thần Long Đỗ hay thần linh nào nữa cũng đều ở tâm linh con người mà ra. Đó chẳng qua là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng và cả sự phản kháng của người dân trước những thực tế xã hội. Chính người dân Thăng Long đã gắn bó với thủ đô ngàn năm tuổi này. Và cũng từ thế giới tâm linh của họ mới xuất hiện những vị thần linh luôn có mặt mỗi khi Thăng Long nói riêng và dân tộc nói chung đứng trước những bước ngoặt quyết định.