“Chúng tôi đã tính đến phương án xấu nhất. Việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn, kể cả khi xác định tàu đã chìm”, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) cho Dân Việt biết như vậy.
Tàu Vinalines Queen. Ảnh: tugster.files.wordpress.com |
Ông Vũ cho biết rất cảm phục trước tinh thần của phía Nhật Bản vì đã tích cực tìm kiếm một con tàu của nước ngoài trên vùng biển nước ngoài không khác gì tàu của Nhật.
Lực lượng cứu nạn Đài Loan, khi nhận được đề nghị của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam, cũng đã điều động phương tiện kiểm tra khu vực vùng biển phía nam Đảo Đài Loan, nhưng không phát hiện được gì.
Ông Vũ cũng cho biết đã liên lạc với tất cả các tàu hàng chạy qua khu vực, thời điểm tàu Vinalines Queen bị mất tích nhưng các tàu này đều thông báo không có phát hiện gì. Hiện, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam đang tiếp tục công tác tìm kiếm bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Về kế hoạch sắp tới, ông Vũ cho biết sẽ báo cáo lên các cơ quan chức năng và lên kế hoạch tìm kiếm tiếp theo, trong đó vẫn tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của phía nước ngoài.
Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Vũ nói: “Mọi khả năng đều có thể xảy ra. Chúng tôi cũng đã tính đến tình huống xấu nhất để lên phương án tìm kiếm, bảo vệ thuyền viên và tài sản”.
Trong trường hợp tàu bị chìm, ông Vũ nói sẽ không thể áp dụng thợ lặn vì mực nước biển quá sâu (khoảng 5000 m - PV). “Tàu bị chìm thì không thể xác định được vị trí ngay, việc tìm kiếm là rất khó khăn, chưa có phương pháp nào khả thi. Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng với sự hỗ trợ của Nhật Bản và Đài Loan là những nước có công nghệ tìm kiếm cứu nạn tiên tiên nhất thế giới, tàu sẽ sớm được tìm ra” – ông Vũ nói.
Sỹ Lực