Dân Việt

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà

Thành Thái 25/10/2018 16:04 GMT+7
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được công bố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đạt 159 phiếu tín nhiệm cao, 226 phiếu tín nhiệm và 89 phiếu tín nhiệm thấp.

Chiều nay (25.10), Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên, tốp 5 Bộ trưởng có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất theo thứ tự là: Bộ Giáo dục - Đào tạo (140 phiếu) ; Bộ Giao thông và Vận tải (142 phiếu); Bộ Văn hoá – thể thao và Du lịch (148 phiếu); Bộ Nội vụ (157 phiếu); Bộ Xây dựng (159 phiếu).

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chỉ đạt 159 phiếu tín nhiệm cao, 226 phiếu tín nhiệm nhưng có tới 89 phiếu tín nhiệm thấp. Với số phiếu tín nhiệm thấp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cao thứ 4 trong tổng 48 chức danh lấy phiếu tín nhiệm lần này. 

img

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. (ảnh Zing.vn)

Ngày 9.4.2016, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hà giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Phạm Hồng Hà sinh năm 1958, quê ở Giao Thủy, Nam Định.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Hồng Hà đã trải qua các chức vụ: Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nam Định, Phó Bí thư, Bí thư Thành ủy TP Nam Định, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIII.

Tháng 3.2015, ông Phạm Hồng Hà về nhận nhiệm vụ tại Bộ Xây dựng theo sự phân công của Bộ Chính trị, của Chính phủ nhằm tăng cường nhân lực cho Ngành Xây dựng, đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa những kế hoạch nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Xây dựng.

Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, ông Phạm Hồng Hà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước vào năm 2013, 2014, chưa có trường hợp nào có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định. Đồng thời, cũng chưa có trường hợp nào có kết quả từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.