Dân Việt

VPF đòi AVG chi 10 tỉ đồng mỗi năm

29/12/2011 06:00 GMT+7
Dân Việt - Ba ngày trước khi Super League 2012 khởi tranh, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có công văn chính thức đòi AVG chi tối thiểu 10 tỉ đồng tiền bản quyền truyền hình mỗi năm.

Công văn số 16/VPF-PPL do Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn ký ngày 28.12.2011 gửi ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên ghi: “VPF muốn thương thảo với AVG một số vấn đề về hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đã được ký kết giữa AVG với VFF”.

img
AVG bị VPF đòi chi 10 tỉ đồng bản quyền truyền hình mỗi năm

Những đề nghị của VPF cụ thể như sau:

1. Vì hợp đồng của AVG với VFF liên quan đến nhiều giải cho VFF tổ chức, trong đó có những giải hiện nay thuộc quyền tổ chức của VPF (Super League, giải hạng Nhất, Cúp quốc gia, Siêu Cúp - PV), nên VPF muốn tách riêng hợp đồng của các giải đấu do VFF tổ chức và hợp đồng của các giải đấu do VPF tổ chức.

2. Thời hạn hợp đồng là 3 năm. Giá trị hợp đồng truyền hình tối thiểu là 10 tỉ đồng một năm.

Hợp đồng mà VFF ký với AVG từ năm 2010 có thời hạn 20 năm với mức giá trị 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến thêm 10% mỗi năm.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến trên báo Bóng đá điện tử vào ngày 3.10.2011, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã từng nêu quan điểm: “Tôi khẳng định bản quyền truyền hình của V-League thuộc về VFF, giống như bản quyền World Cup thuộc FIFA, bản quyền EURO thuộc về UEFA. Các CLB được chia 50% giá trị bản quyền là VFF quan tâm đến các CLB.

Trước đây, các CLB khó tìm tài trợ, người ta luôn hỏi có truyền hình trực tiếp không? Nếu không thì giá trị hợp đồng tài trợ rất thấp. Trước đây, số trận được tường thuật trực tiếp rất nhỏ nên rất khó có hợp đồng tài trợ lớn.

Mùa vừa rồi, với cách làm mới, tỷ lệ số trận được tường thuật trực tiếp lên đến 85% và mùa tới, chúng tôi đặt mục tiêu tường thuật trực tiếp 100% số trận đấu. Đó là cách tạo điều kiện để các CLB được truyền hình trực tiếp, nâng cao thương quyền, bán quảng cáo… Điều này quan trọng hơn số tiền được chia từ bản quyền.

Một vài CLB lên tiếng đòi đồng sở hữu bản quyền vì được chia lợi nhuận. VFF tôn trọng quyền lợi không đồng nghĩa với quyền sở hữu. Giống như anh đến ở trọ nhà tôi rồi sau đó anh lại kiện đòi quyền sở hữu căn nhà. Bản quyền này có được chuyển sang cho công ty mới hay không thì chúng tôi sẽ bàn tiếp nhưng sẽ không làm trở ngại trong việc triển khai công ty mới. Cái nào đồng thuận thì triển khai trước, cái nào vẫn tranh cãi thì để tiếp tục thảo luận để hài hòa lợi ích cho tất cả các bên”.

Cách đây 3 tháng, khi bầu Kiên lần đầu tiên lên tiếng phản đối về bản hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, cũng chính Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã thẳng thừng bác bỏ bằng tuyên bố: Thông tin anh Kiên nói các CLB không biết về việc ký hợp đồng giữa VFF với AVG là chưa chính xác. Ngày 1.7.2010, tại Nha Trang có cuộc họp về vấn đề bản quyền truyền hình và có tham vấn các CLB.

Các CLB đều đồng ý về vấn đề bản quyền truyền hình. Hôm đó HN.ACB không có đại diện dự họp nên có lẽ anh Kiên không nắm được vấn đề. Chúng tôi cũng có đầy đủ văn bản pháp lý để đảm bảo rằng hợp đồng được ký giữa VFF và AVG về bản quyền truyền hình là hợp pháp và công khai minh bạch”.

Nếu các CLB và các đài truyền hình lớn thực sự quan tâm đến bóng đá Việt Nam, thực sự muốn góp tay xây dựng bóng đá VN thì lẽ ra họ phải giúp đỡ VFF bằng cách sớm phối hợp hợp với VFF để phát sóng trực tiếp V-League, giải hạng Nhất và giải quốc gia liên tục, lâu dài với giá cả hợp lý, chứ không phải để một đơn vị sản xuất truyền hình đến giờ vẫn còn chưa phát sóng chính thức nhưng đã bắt đầu sở hữu bản quyền bóng đá Việt Nam từ năm 2011 như AVG nhảy vào thì mới cuống cuồng đòi lại thứ tài sản mà họ từng có quyền đồng sở hữu.