Dân Việt

Tạc tượng thiên thạch 14 tỷ: Chùa Tam Chúc trải lòng

Minh Tuệ 26/10/2018 08:17 GMT+7
Thượng tọa Thích Minh Quang đã có những lý giải về việc chùa Tam Chúc có cơ hội được sở hữu bức tượng Phật bằng thiên thạch độc nhất vô nhị

Thời gian vừa qua, dư luận quan tâm đến việc doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) mua mảnh thiên thạch "câu đố Mặt Trăng" để tặng cho chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Đặc biệt, chùa Tam Chúc sẽ tạc tượng Phật trên mảnh thiên thạch này và trưng bày tại chùa Ngọc trong quần thể của chùa.

Ngày 25/10, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với thượng tọa Thích Minh Quang, trợ lý của thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết được nhận mảnh thiên thạch này là một cơ duyên đặc biệt của nhà chùa.

"Chùa Tam Chúc muốn tạc tượng mảnh thiên thạch này để cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Cũng là cơ hội để giới trẻ, các em học sinh sinh viên được tìm hiểu thêm về thiên văn, khoa học" - thầy Thích Minh Quang cho biết.

img

Toàn cảnh chùa Tam Chúc

Việc sử dụng mảnh thiên thạch để tạc tượng cũng đã được nhà chùa lên kế hoạch tỉ mỉ.

Theo đó, trong 6 miếng thiên thạch ghép thành "câu đố Mặt Trăng", chùa sẽ sử dụng mảnh lớn nhất có kích thước khoảng gần 20cm để tạc tượng. Các mảnh ghép nhỏ còn lại sẽ được đóng tủ kính để trưng bày.

"Chùa biết bức tượng sau khi tạc xong sẽ có kích thước nhỏ, nên đã có kế hoạch chuẩn bị. Tượng sẽ được đặt trong một bảo tháp, bảo tháp này sẽ nằm ở chính điện của tòa chùa Ngọc.

Như vậy là Phật ngự trong tháp, tháp trong tháp" - Thượng tọa cho biết.

Trước những băn khoăn về việc thiên thạch là một vật chất hiếm gặp, việc tạc tượng sẽ nhiều công phu và khó khăn, Thượng tọa Thích Thanh Quang cho rằng nhà chùa đã nắm được yếu tố phức tạp của công việc và đang cân nhắc phương án tiến hành.

"Chùa Tam Chúc đang tìm hiểu và có thể sẽ mời các nghệ nhân Việt Nam tạc mẫu tượng này thay vì mời chuyên gia nước ngoài.

Tay nghề của người Việt rất giỏi, các bức phù điêu, công trình điêu khắc của chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc hơn 90% được làm từ các nghệ nhân Việt Nam và rất được quốc tế ghi nhận, vì thế chùa không có nhiều lo lắng" - Thượng tọa cho biết.

Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết thêm trong khuôn khổ của Đại lễ Vesak 2019, chùa cũng sẽ kết hợp giới thiệu các làng nghề truyền thống đã tham gia xây dựng chùa Tam Chúc.

"Bức tượng Phật này sau khi ra đời tôi cho rằng sẽ rất được quốc tế chú ý, vì thế việc để các nghệ nhân Việt Nam tiến hành tạc bức tượng này trên mảnh thiên thạch cũng góp phần quảng bá cho hình ảnh của đất nước, khả năng tay nghề của người thợ trong nước" - Thầy Thích Minh Quang bày tỏ.

img

Cận cảnh 6 mảnh thiên thạch được chùa Tam Chúc sở hữu

Trước nhiều nguồn ý kiến cho rằng hơn 14 tỷ đồng để mua thiên thạch về tạc tượng, chưa kể chi phí cho công việc này sẽ là một sự tốn kém không đáng có, trong khi có thể sử dụng nguồn kinh phí đó để làm các việc công đức xã hội khác hiệu quả hơn. Đại diện chùa Tam Chúc có những lý giải.

"Công tác công đức cho xã hội, cho các cảnh khổ là điều nên làm và bao nhiêu hành động cũng là cần thiết. Nhưng theo tôi việc nào cũng có lý do. Sở hữu bức tượng Phật bằng thiên thạch là điều vô tiền khoáng hậu, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước. Tạo tiếng vang không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Từ tiếng vang này, chúng ta có thể thu hút được phát triển du lịch tâm linh, tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm... như vậy đã là một việc công đức mà không phải ai cũng nhìn thấy" - thượng tọa cho biết.

Ngoài ra, thầy Thích Minh Quang cho biết thêm, xây một ngôi chùa lớn cũng góp phần phát triển tự do tôn giáo tín ngưỡng, hỗ trợ đảm bảo đạo đức xã hội.

"Chúng tôi từng tổ chức những khóa tu cho các bạn trẻ, thanh niên, học sinh sinh viên với quy mô vài nghìn người. Qua những khóa học này, tư tưởng nhân hậu nhân đạo được thấm nhuần vào những người trẻ, đây cũng là việc tốt cho xã hội, cũng là một việc công đức" - Thượng tọa nhấn mạnh