Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh Zing.vn).
Chiều nay (26.10), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có phát biểu trước Quốc hội để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới giáo dục.
Về vấn đề giáo viên, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT theo phân công chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên, các chuẩn, quy chuẩn về giáo viên, đủ giáo viên cho các trường, cho các học sinh và các chương trình bồi dưỡng ở các trường sư phạm. “Tại thời điểm này có nhiều vấn đề về chất lượng, quy chuẩn giáo viên, chúng tôi đã sửa các quy chuẩn, còn về chất lượng đang xây dựng để bồi dưỡng gắn với đổi mới chương trình”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Nhạ, về tuyển dụng giáo viên, theo phân cấp là chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. “Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí lãnh đạo ở các địa phương ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học. Như Thủ tướng đã chỉ đạo ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên, có trường lớp. Theo nguyên lý đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt là mầm non bắt buộc phải đủ giáo viên, đủ trường lớp cho các cháu học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ ngành khác thống nhất định mức 35 cháu/lớp tiểu học, 45 cháu/lớp trung học cơ sở, mức đó vẫn là cao so với thế giới khoảng 20 học sinh/lớp, nhưng nước ta còn nghèo nên theo mức đó.
Ông Nhạ cũng cho rằng, cần đảm bảo giáo viên cho vùng sâu, vùng xa, không nên dồn theo kiểu cơ học đưa tất cả các cháu vào một khu vực không đảm bảo điều kiện dẫn tới các cháu bỏ học.
“Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ở các tỉnh ưu tiên bố trí cho giáo viên. Về các chế độ về chính sách thì Bộ Nội vụ phải tham mưu để đảm bảo. Bộ GD –ĐT không thể đảm bảo chất lượng giáo dục được nếu thiếu hai điều kiện quan trọng, thứ nhất là biên chế giáo viên theo định mức thứ hai là chế độ chính sách, cơ sở vật chất trường lớp”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Về sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Nhạ cho biết, Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X, kết luận có một bộ sách giáo khoa, giao cho Bộ GD-ĐT đào tạo biên soạn. Trong quá trình thực hiện có điều tốt là một chương trình ổn định và cho toàn quốc, rất nhiều vùng có giáo viên khác nhau, trình độ khác nhau sử dụng ổn định. Nhưng có điều bất cập, trong dạy và học duy nhất có một bộ SGK nên các thầy cô phụ thuộc vào SGK dẫn tới cứng nhắc, dập khuôn, máy móc.
Việc chỉ một bộ SGK nên chưa khai thác được trí tuệ của nhiều thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân, đồng thời khó xã hội hóa. “Do vậy Quốc hội thống nhất khi đổi mới sẽ có một số bộ SGK để khắc phục những bất cập nêu trên. Tuy nhiên đất nước ta cũng khó khăn, một bộ SGK trong bối cảnh nước ta như vừa rồi quản lý rất phức tạp, tới đây một chương trình, một số SGK thì có thể dẫn tới tình trạng có một số sách không phải nhà xuất bản nào cũng sẵn sàng hoặc trình độ không đồng đều giữa các giáo viên giữa các vùng miền tham gia giảng dạy sẽ rất khác nhau. Chính vì thế trong Nghị quyết của Quốc hội đã chủ động giao cho Bộ GD-ĐT trước mắt xây dựng một bộ sau đó khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia, và không có độc quyền mà mở rộng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khi thiết kế SGK mới sẽ tạo cơ hội để các thầy cô chủ động sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt về vùng miền. Trong thiết kế chương trình có 80% thống nhất toàn quốc, còn 20% theo đặc điểm vùng miền, chuyên đề địa phương.