Tiền điện chiếm chi phí quá lớn
Chị Nguyễn Thị Hường quê ở Phú Thọ, làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), thuê nhà ở trọ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm từ hơn 3 năm nay. Chị cho hay: “Gia đình tôi có 3 người, thi thoảng có thêm bà ngoại xuống bế cháu là 4 người. Vào mùa hè, phải chạy thêm máy điều hòa vì có trẻ nhỏ nên chi phí tiền điện đã chiếm một khoản tiền quá lớn với thu nhập của cả 2 vợ chồng tôi”.
Công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long tại nhà trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: T.L
Theo chị Hường, căn phòng 28m2 mà gia đình chị thuê mỗi tháng chi phí 2,7 triệu đồng, tiền nước mỗi người đóng 80.000 đồng/tháng; còn tiền điện mỗi tháng cũng hết 800.000 đồng, vào mùa hè có lúc phải trả tới 1,3 triệu đồng do chủ nhà tính 3.500 đồng/kWh, nếu dùng trên 200kWh còn phải đóng 4.200 đồng/kWh. Trong khi, thu nhập 2 vợ chồng chị mỗi tháng chỉ được tổng cộng 13 triệu đồng.
Tìm hiểu của phóng viên, được biết ở hầu hết các khu nhà trọ tại Hà Nội, chủ nhà thường tính giá điện cho người thuê nhà bằng cách tự quy định giá từ 3.000 đến hơn 4.000 đồng/kWh. Thậm chí có một số nơi thu tiền điện của người thuê trọ 5.000 đồng/số. Trong khi đó, giá điện theo quy định của ngành điện chỉ từ 1.400 - 2.500 đồng/số.
Nhân viên Công ty Điện lực Đăk Lăk kiểm tra hệ thống đo đếm điện tại một khu phòng trọ ở TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: ICON
Hiện nay, những người thuê nhà chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động tự do, công nhân… nên chi phí tiền điện hàng tháng đã khiến cho nhiều người vốn khó khăn càng thêm khó khăn. “Gia đình chúng tôi đi làm cả ngày, thường là tối mới về nhà sinh hoạt mà mỗi tháng mất 700.000 đến hơn 1 triệu tiền điện sinh hoạt thì quá đắt đỏ. Tuy nhiên, tìm được nhà rộng rãi để ở và tiện cho công việc cũng không phải dễ nên cũng chẳng có lựa chọn nào khác” - anh Nguyễn Văn Tình đang thuê nhà ở ngõ 240 Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại cuộc gặp mặt 800 công nhân khu vực đồng bằng Sông Hồng tổ chức ở tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chính quyền các nơi quan tâm, xử lý vấn đề giá điện ở các cơ sở cho thuê phòng trọ, không để các chủ nhà trọ thu giá điện sai quy định. Ngay sau đó, UBND TP.Hà Nội có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định giá bán lẻ điện cho các đối tượng nghèo, người lao động khó khăn, sinh viên thuê nhà để ở.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương, người thuê nhà ở đang hy vọng sẽ không còn bị “chặt chém” giá điện sinh hoạt trong thời gian tới.
Có giảm được “gánh nặng” tiền điện?
Thông tư 25/2018 mà Bộ Công Thương ban hành ngày 12.9.2018 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014 về thực hiện giá bán điện), trong đó có quy định chi tiết hơn về áp giá bán điện cho người thuê nhà, có hiệu lực vào ngày 26.10, mở ra hy vọng lớn cho người thuê nhà.
Thông tư 25/2018 đã hướng dẫn với quy định giá bán điện hiện nay thì mỗi kWh người thuê nhà trả 2.044 đồng (1.858 đồng/kWh +10% VAT). Với cách tính này, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện, khắc phục được nhược điểm biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện. |
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Thông tư 25 đã bổ sung hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) theo hướng ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá điện của bậc thang thứ 3 cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và không xác định được số hộ. Trường hợp xác định được số người trong nhà thuê, căn cứ vào số người, bên cung cấp điện sẽ căn cứ vào đó cấp định mức sử dụng điện.
“Quy định mới này sẽ khắc phục được khó khăn biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện, đảm bảo đơn giản trong việc thực hiện, dễ dàng trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của người dân” - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tuyên truyền, đăng tải nội dung Thông tư 25 trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi các Sở Công Thương để thông báo rộng rãi đến các đơn vị điện lực trên địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các công ty điện lực các tỉnh, thành phố, phối hợp các đơn vị bán lẻ điện của các thành phần kinh tế, tổ chức phổ biến rộng rãi tới từng tổ dân phố.
Nghị định 134/2013 nêu rõ: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt. |
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo và yêu cầu các Sở Công Thương, các công ty điện lực và các đơn vị bán lẻ điện yêu cầu các chủ hộ thuê nhà chủ nhà ký cam kết áp giá bán điện theo đúng giá Nhà nước quy định. Các địa phương đều tích cực triển khai nội dung này (ví dụ ở Hà Nội, đã có trên 95% các chủ hộ thuê nhà đã ký cam kết với ngành điện sẽ áp giá bán điện theo đúng giá Nhà nước quy định). Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc và kiểm tra các tập thể, cá nhân thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 25.
Còn đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Việc xác định định mức giá của các nhà cho thuê cũng khó khăn do đặc thù của hoạt động thuê nhà là số người thuê luôn biến động không cố định. Do vậy tại Thông tư 25/2018 đã hướng dẫn với quy định giá bán điện hiện nay thì mỗi kWh người thuê nhà trả 2.044 đồng (1.858 đồng/kWh + 10% VAT). Với cách tính này, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện, khắc phục được nhược điểm biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện.
“EVN đang tiếp tục tổ chức tuyên truyền, truyền thông về giá bán điện cho người thuê nhà. Tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định” - đại diện EVN cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn, việc triển khai Thông tư 25 có kiểm soát tốt việc thu tiền điện của các chủ nhà trọ hay không, vì trước đó cũng đã có những quy định tại Nghị định số 134/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Dù đã có quy định xử phạt rất rõ ràng nhưng thực tế tình trạng áp giá vi phạm pháp luật, “chặt chém” người thuê nhà vẫn diễn ra, gây bức xúc cho dư luận. Do đó, vấn đề kiểm tra, giám sát triển khai quy định tại Thông tư 25 như thế nào trong thời gian tới để người nghèo đi thuê nhà không bị “chặt chém” mới là điều được nhiều người quan tâm.
157.000 chủ nhà trọ đã ký cam kết Thông tư 25 quy định rõ: Với trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Công nhân ngành điện kiểm tra việc dùng điện tại nhà trọ ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: T.L Đại diện EVN cho biết, tập đoàn đã chỉ đạo các tổng công ty và công ty điện lực báo cáo, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương hướng dẫn, kiểm tra công tác áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà, thống nhất với các chủ nhà cho thuê về việc thực hiện đúng giá bán điện cho người thuê nhà, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với người lao động thuê nhà để ở. Tính đến 30.9.2018, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Từ ngày 26.10, khi Thông tư 25/2018 có hiệu lực, EVN tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty điện lực rà soát các nhà trọ không kê khai được số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ. PHƯƠNG VY |