Dân Việt

Thể thao Việt 2011 và 5 sự kiện khiến fan rơi lệ

29/12/2011 15:20 GMT+7
(Dân Việt) - Xuyên suốt những sự kiện thể thao năm 2011 có lẽ là nỗi buồn: Đó là thất bại của đội tuyển U23, việc người xem truyền hình bị chèn ép... NTNN bình chọn 5 sự kiện thể thao trong năm đã khiến các CĐV phải rơi lệ.

1. Thất bại của U23 tại SEA Games

Từ khi Minh Chiến sút tung mành lưới của Myanmar tại trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 19 năm 1995 (Chiềng Mai – Thái Lan), Việt Nam đã bắt đầu cuộc chinh phục chiếc HCV SEA Games dài vô tận. Nhưng suốt 16 năm sống trong giấc mơ vàng ấy, thất bại tại SEA Games 26 năm nay là cơn ác mộng tồi tệ nhất. Lần lượt thua hai đội bóng dưới cơ: Indonesia, Myanmar với các tỉ số cách biệt, U23 Việt Nam đã thậm chí không có nổi tấm HCĐ.

img
Nỗi buồn của người hâm mộ khi đội tuyển U23 trắng tay tại Sea Games 26.

Hiệu ứng Domino sau thất bại đã xảy ra, các cầu thủ bị nghi ngờ bán độ, Trưởng đoàn Bóng đá -Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn từ chức và HLV Goetz bị sa thải.

2. Môn thể thao nữ hoàng “trượt chân”

Trong niềm vui chung khi vững chắc ở ngôi thứ ba tại SEA Games 26, người hâm mộ Việt Nam ngoài việc thất vọng với U23 còn rất đau lòng khi môn thể thao nữ hoàng điền kinh đã không đáp ứng được lòng mong đợi.

Trước khi SEA Games diễn ra, Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương đang tràn trề hy vọng đạt thành tích để giành vé tới Olympic London (và tất nhiên là cả tấm HCV SEA Games). Tuy nhiên, Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương đều không đáp ứng được kỳ vọng. Thậm chí Vũ Thị Hương chỉ đoạt được HCĐ và gần như hết cơ hội góp mặt tại Thế vận hội 2012.

3. Người hâm mộ bị truyền hình chèn ép

Kênh truyền hình K+ được VTV “nhường” cho việc độc quyền phát sóng các trận đấu ngày Chủ nhật giải Ngoại hạng Anh. Người hâm mộ nghèo đã không có cơ hội được xem trực tiếp giải Ngoại hạng Anh.

4. Sự sụp đổ của bóng đá: Huế - Nam Định

Trong khi một người con ưu tú của bóng đá Nam Định, ông Nguyễn Văn Sỹ đang đảm nhận nhiệm vụ quan trọng: HLV phó của U23 VN thì đội bóng Nam Định đã bị xuống hạng Nhì và nền bóng đá Nam Định chính thức coi như bị xóa sổ.

Cùng chung số phận với Nam Định là Huế, một nôi đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu miền Trung. Tình trạng chảy máu nhân tài dẫn đến việc xuống hạng của hai nền bóng đá này đã có nguyên nhân chính thức: Việc đầu tư ồ ạt, nâng giá cầu thủ vô tội vạ đã khiến các cầu thủ tài năng không muốn ở lại quê hương. Và nếu buộc phải ở lại thì cũng không còn sức chiến đấu.

5. VĐV tố cáo lãnh đạo

Liên đoàn Xe đạp TP.Hồ Chí Minh đã có một việc làm không thể xấu hổ hơn: Ăn chặn tiền ăn và tiền tập luyện của các VĐV. Liên quan đến việc này, ông Phan Quý Bách - Trưởng bộ môn Xe đạp TP.HCM, và ông Trần Văn Ựng-Trưởng ban chuyên môn xe đạp TP.HCM đã bị đình chỉ công việc. Đây là 2 cá nhân liên quan đến những khuất tất của bộ môn xe đạp TP.HCM trong khoản chi hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ thi đấu cho 3 đội đua của TP.HCM ở 6 giải trong khoảng thời gian từ tháng 3.2010 đến tháng 3.2011.

Ngay trước thềm SEA Games, các VĐV của quần vợt VN đã đồng loạt tố cáo ông Đoàn Quốc Cường -Trưởng bộ môn Quần vợt Tổng cục TDTT về chuyện trù dập các VĐV, đòi ăn chia phần thưởng. Mọi việc căng thẳng đến mức, các tay vợt Minh Quân, Đài Trang, Quang Huy còn từ chối tập trung cho ĐTQG tham dự SEA Games 26. Rốt cuộc, thì không ai rút khỏi tuyển cả và đã đoạt được 3 tấm HCĐ tại SEA Games 26.