Dân Việt

Chưa được cấp phép, vì sao bến xe Yên Sở vẫn được xây dựng?

Thanh Xuân 29/10/2018 10:38 GMT+7
Mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã triển khai thi công, san nền và ép cọc tại Dự án bến xe khách Yên Sở (Hoàng Mai – Hà Nội) bất chấp bức xúc của người dân và dư luận trong thời gian qua về dự án đầy tai tiếng này.

img

Xây bến xe khách Yên Sở khi chưa được cấp phép? (Ảnh: VĐ)

Hàng loạt các thủ tục chưa đủ

Ngày 30.12.2016, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 7283 chấp thuận đầu tư dự án bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai. Tổng vốn đầu tư của dự án là 118 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30 tỷ đồng và vốn vay huy động hợp pháp khác là 88 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là quý IV.2017 và hoàn thành vào quý II.2018. Tuy nhiên, đến nay đã là quý IV.2018 nhưng chủ đầu tư Bến xe Yên Sở mới dừng lại ở phần san lấp lòng hồ Yên Sở thành một bãi đất bằng phẳng.

Theo phản ánh của người dân, khoảng gần 1 tháng nay Dự án bến xe khách Yên Sở đã ngừng thi công nhưng cổng vào của công trình lại mới được treo biển “nguy hiểm, công trường đang thi công, không phận sự cấm vào”.  

Theo ông Nguyễn Vũ Diêm, phòng Quản lý đô thị (UBND quận Hoàng Mai): Bến xe khách Yên Sở được cho chủ trương đầu tư năm 2016, hiện đang xin giấy phép xây dựng nhưng còn thiếu các thủ tục giao đất, cho thuê đất.

Theo ông Diêm, giấy phép xây dựng bến xe khách Yên Sở là do UBND quận Hoàng Mai cấp nhưng hiện tại do chưa đủ thủ tục nên quận Hoàng Mai chưa cấp cho đơn vị này để thi công.

Đại diện UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, do tiến độ của dự án đã thay đổi nên chủ đầu tư cần có đủ các thủ tục như: Quyết định điều chỉnh tiến độ dự án của UBND. TP. Hà Nội; Quyết định bàn giao đất của Sở TNMT, biên lai nộp tiền thuế đất…thì mới đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.

Như vậy, theo thông tin của UBND quận Hoàng Mai thì Dự án bến xe khách Yên Sở hiện vẫn còn hàng loạt các thủ tục chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công, san lấp mặt bằng, lấp cả lòng hồ Yên Sở trong suốt thời gian qua có vi phạm các quy định về xây dựng?

Đó là còn chưa tính tới dự án này cũng năm trong Đề án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang được UBND TP. Hà Nội xin ý kiến Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và chờ HĐND TP. Hà Nội thông qua. Giả sử, trường hợp Dự bến xe Yên Sở trong Đề án này không được các bộ, ngành và HĐND TP. Hà Nội “tán thành” thì việc chủ đầu tư tự ý triển khai các công việc xây dựng trong thời gian qua sẽ phải giải quyết hậu quả thế nào?

img

Nhiều hộ dân sống quanh Dự án bến xe khách Yên Sở treo băng rôn phản đối (Ảnh: IT)

Nhiều dấu hiệu bất thường

Theo nghiên cứ của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Phát triển bền vững (LPSD): Ngày 14.10.2016, Công ty CP bến xe Thanh Trì đề nghị sở KHĐT thực hiện dự án, sau đó Sở KHĐT đã đề nghị các sở GTVT, Tài chính, TNMT UBND quận Hoàn Mai cho ý kiến. Sở Tài Chính sau đó đã có văn bản trả lời: Công ty CP bến xe Thanh Trì là doanh nghiệp mới thành lập nên chưa có báo cáo tài chính; đề xuất của công ty là sử dụng 30 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án…

Trong văn bản mà LPSD gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nêu vấn đề: “Với vốn điều lệ hơn 30 tỷ đồng và thời điểm lập báo cáo thẩm định của Sở KHĐT Công ty CP bến xe Thanh Trì mới thành lập và chưa có báo cáo tài chính… UBND TP. Hà Nội có thực sự khách quan khi giao cho công ty này thực hiện dự án, hay đây chỉ là hình thức nhằm hợp thức hoá dự án để phục vụ cho mục đích khác”.

LPSD cũng cho rằng, tại dự án bến xe Yên Sở có bất thường trong đấu giá đất. Dựa trên báo cáo thẩm định 148 ngày 29.11.2016 của Sở KHĐT TP. Hà Nội xác định bến xe khách Yên Sở không áp dụng hình thức đấu giá sử dụng đất. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng LPSD cho rằng, căn cứ điều 118 Luật đất đai, dự án xây dựng bến xe khách là dự án đầu tư có sử dụng đất dịch vụ, vì vậy dự án thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong đó, khu đất đề xuất xây dựng dự án 3,4ha có 0,9 ha đã đươc GPMB (bến xe Thanh Trì cũ) nên thuộc trường hợp luật định bắt buộc thực hiện tổ chức đầu giá quyền sử dụng đất theo điều 119 Luật đất đai. Diện tích đất này đã được GPMB và được giao cho tư nhân mà không qua đấu giá, đấu thầu.

Ðiều đáng nói, dù ngày 14.10.2016, Công ty CP bến xe Thanh Trì mới có văn bản đề nghị thực hiện dự án bến xe Yên Sở, nhưng Sở GTVT đã có văn bản cho ý kiến thẩm định dự án từ ngày 3.10.2016. Như vậy, ý kiến thẩm định của Sở GTVT Hà Nội có trước khi nhà đầu tư ký nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Ngoài ra, dù là bến xe khách tạm, nhưng Hà Nội lại cấp phép cho hoạt động trong 50 năm.

img

Vì sao phải xây dựng một bến xe khách tạm ở khu vực thường xuyên tắc đường (Ảnh: IT)

Theo TS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Ðô thị Hà Nội (nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội), việc Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư bến xe khách liên tỉnh Yên Sở (Hoàng Mai) ngay vành đai 3 là chưa có "tầm nhìn".

TS Ðào Ngọc Nghiêm cho biết hiện giao thông Thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần giải quyết, như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng bất cập... Do đó, theo ông Nghiêm, Hà Nội không nên chú trọng vào các giải pháp mang tính cục bộ, ngắn hạn. Ðặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 sẽ gây thêm ách tắc cho khu vực nội đô, đặc biệt nút giao Pháp Vân- vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.

Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất xây dựng, nhưng tất cả phải dừng lại vì không hợp lý, nguy cơ thêm ùn tắc giao thông. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển Bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô. Theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4.

Trước phản đối của người dân và các chuyên gia về những bất thường của dự án này nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên triển khai thi công trong thời gian qua, dư luận đang hoài nghi về việc có lợi ích nhóm khi thực hiện Dự án bến xe khách Yên Sở hay không?