Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Quốc hội, chiều qua bà Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH Hà Nội) - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, nên trong trào lưu khởi nghiệp quốc gia, phải lấy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm làm nền tảng.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan khẳng định lực lượng trước mắt để nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp chính là hàng chục ngàn sinh viên trong các trường nông, lâm, ngư nghiệp... Ảnh: Quochoi.vn
Bà Lan nêu một thực tế cho thấy, vấn đề khởi nghiệp không phải là thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực, đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo khởi nghiệp đi vào chiều sâu lâu dài và liên tục. Trong đó, khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thiếu môi trường và các nguồn lực cho khởi nghiệp, rủi ro lớn cả về tự nhiên và thị trường.
Vì vậy, bà Lan nhấn mạnh thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp tại nông thôn; hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn và những người muốn khởi nghiệp nông nghiệp.
ĐB Nguyễn Thị Lan khẳng định đây là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với chủ trương mỗi xã một sản phẩm trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Lực lượng trước mắt để đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là hàng chục ngàn sinh viên trong khối các trường nông, lâm, ngư nghiệp trên cả nước tốt nghiệp hàng năm. Các trường này cần xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản, hệ thống nhằm từng bước đưa tư tưởng khởi nghiệp thấm vào suy nghĩ, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên khi ra trường" - bà Lan nói.
Sinh viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tham gia sản xuất nông nghiệp tại Isarel năm 2016. Ảnh: I.T
Đồng thời, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào, mà Nhà nước cần có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.
Thứ hai, cần xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm.
Nhờ thế, các trường đại học có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng môi trường và các nguồn lực tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ khởi nghiệp nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển toàn diện và bền vững.