Đại gia Đặng Văn Thành bất ngờ tái xuất sàn chứng khoán
Mới đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch của TTC Group bất ngờ xuất hiện với giao dịch mua vào cổ phiếu VNG.
Ông Thành nổi tiếng là người sáng lập và từng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank). Sau khi ngân hàng này bị thâu tóm, ông Thành cùng con trai buộc phải rời ngân hàng.
TTC Group do ông Đặng Văn Thành lãnh đạo là một tập đoàn đa ngành với hệ sinh thái gồm 4 tổng công ty ngành, 1 uỷ ban ngành và hơn 150 đơn vị trực thuộc. Các đơn vị thành viên của tập đoàn này hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, du lịch trải dài từ các tỉnh miền trung, cao nguyên đến miền tây, miền đông nam bộ.
Hai người con của ông là bà Đặng Huỳnh Ức My và ông Đặng Hồng Anh đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở những doanh nghiệp lớn trên sàn. Bà My hiện đang là thành viên HĐQT của Mía đường TTC-Biên Hòa, còn ông Đặng Hồng Anh đang nắm giữ hơn 10% vốn của Sacomreal.
Bà Dương Thị Mai Hoa đầu quân cho Bamboo Airways
Bamboo Airways dự tính có chuyến bay đầu tiên vào 10/10 nhưng kế hoạch trên đã phải lùi lại xuống cuối quý 4/2018.
Cựu CEO Ngân hàng An Bình (ABBank) sẽ giữ chức Phó chủ tịch, kiêm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ cuối tháng 10.
Phía FLC đã xác nhận thông tin trên. Ít lâu trước đó, bà Hoa được Hội đồng quản trị ABBank chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 18/10 vì lý do cá nhân sau 3 tháng nhận vị trí này.
Bà Hoa từng giữ nhiều ghế nóng như: CEO kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn Vingroup (2012-2017), Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) (2011-2012), Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Bán lẻ VIB (2009 -2011), Giám đốc tài chính Oracle VN...
Trước đó, Bamboo Airways dự tính có chuyến bay đầu tiên vào 10/10 nhưng kế hoạch trên đã phải lùi lại xuống cuối quý 4/2018.
Ông trùm gỗ Mai Hữu Tín lộ kế hoạch tỷ đô, bắt tay với Bầu Thắng
Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TT) vừa tổ chức phiên họp bất thường của đại hội đồng cổ đông tuần qua.
Tại phiên họp này, ông Mai Hữu Tín – Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành tiết lộ, ông thích cuộc chơi dài hạn và thích các thách thức như tại TTF. Tham vọng của lãnh đạo TTF là đưa công ty này trở thành công ty nội thất đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị tỷ đô trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, ông Tín cũng lấp lửng việc công ty chưa chắc sẽ chia cổ tức trong 5 năm. Lãnh đạo TTF cũng cho biết, năm 2018 sẽ khó đạt kế hoạch đề ra, đây là năm bàn đạp để công ty xử lý các vấn đề xấu hiện tại. Nếu giải quyết xong các vấn đề này, ông Tín kỳ vọng, công ty chắc chắn có lãi từ 2019.
Một thông tin đáng chú ý là Gỗ Trường Thành sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.112 tỷ đồng sau khi sáp nhập thêm Công ty Sứ Thiên Thanh, một đơn vị liên kết của Gạch Đồng Tâm.
Gỗ Trường Thành sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.112 tỷ đồng sau khi sáp nhập thêm Công ty Sứ Thiên Thanh.
Vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang chuẩn bị kế hoạch lớn
Từ những phiên đầu tuần, cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bất ngờ ghi nhận thanh khoản đột biến với hơn 4 triệu.
Động thái của doanh nghiệp này được diễn ra trước thềm khi MPC sắp triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 dự kiến vào 10/11. Đại hội dự kiến thông qua phương án phát hành 75,72 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ mức 1.400 tỷ lên hơn 2.157 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh hiện có.
Theo kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Minh Phú định hướng phát triển chuyên sâu về chế biến tôm xuất khẩu với định hướng khép kín quy trình từ con giống, thức ăn, chuỗi cung ứng, chế biến và xuất khẩu tôm.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ cuối năm 2007 và hủy niêm yết tự nguyện năm 2015 vì lý do muốn tìm đối tác chiến lược. Năm 2017, Minh Phú bất ngờ quay trở lại sàn chứng khoán trên sàn UpCoM. Trong 8 tháng đầu năm nay, MPC ghi nhận sản lượng sản xuất 41.939 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu đạt 441,8 triệu USD, tăng trưởng 6%.
Đại gia điện máy đình đám một thời bị xóa tên
Trần Anh từng là đại gia có tiếng trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy.
Sau một thời gian mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Điện máy Trần Anh, Thế Giới Di động đã bắt đầu thay thế toàn bộ tên biển hiệu thành Điện Máy Xanh.
Trước đó, lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định nhiều khả năng sẽ giữ nguyên thương hiệu cũ của hệ thống điện máy được mua lại trong thời gian 12-18 tháng. Tuy nhiên, tình hình của Trần Anh thời gian qua vẫn không mấy sáng sủa.
Với trên dưới 20 năm hoạt động, Trần Anh từng là đại gia có tiếng trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy. Khởi đầu của Trần Anh là một cửa hàng kinh doanh máy tính và linh phụ kiện được thành lập vào năm 2002 tại Hà Nội.
Tuy nhiên từ năm 2013, lợi nhuận của Trần Anh bắt đầu teo tóp. Trong khi năm 2011 lãi gần 60 tỷ thì năm 2013 lãi vỏn vẹn 1,43 tỷ. Năm 2017, sau nhiều năm làm ăn có lãi thì Trần Anh đã báo lỗ ròng gần 63 tỷ đồng.
Sau khi bán mình cho Thế giới di động, tưởng như tình hình của Trần Anh sẽ sáng sủa hơn nhưng báo cáo tài chính giai đoạn 1/4 – 30/6/2018 cho thấy Trần Anh lỗ ròng 5,8 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận hủy niêm yết cổ phiếu TAG của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh.
Doanh nhân Đặng Văn Thành vừa thông báo chi tiền mua cổ phần của TTC Tourist.