Dân Việt

Vụ ông Đinh La Thăng: Thu hồi hơn 20 tỷ đồng

An An 29/10/2018 11:06 GMT+7
Thu hồi tài sản tham nhũng vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng...

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội mới đây cho biết, trong điều tra, xử lý tội phạm đã phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh.

img

Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Điển hình như: Vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Quốc Hảo; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Giang Kim Đạt; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc);...

Riêng công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại luôn được đặc biệt quan tâm, việc kê biên, thu hồi tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao.

Cụ thể như: Vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng;...

Báo cáo nhận định thêm, từ sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội (cuối 2017) đến nay tình hình tội phạm được kiềm chế, một số loại tội phạm được kéo giảm, nhưng tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, tham nhũng đều tăng.

Thống kê riêng trong lĩnh vực này đã khởi tố điều tra 1.474 vụ, 2.161 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 72,60% số vụ, 44,94% số bị can so với cùng kỳ năm 2017); 320 vụ, 659 bị can về tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can so với cùng kỳ năm 2017). Số vụ án về tham nhũng khởi tố mới tăng.

Theo báo cáo, tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, từ lĩnh vực kinh tế trọng điểm như ngân hàng, tài chính, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, giao thông, xây dựng cơ bản, thuế... đến các lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… gây dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Chính phủ cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau"… gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.

Những vi phạm điển hình là trong công tác quản lý đất đai, sử dụng đất đai, nhất là đất nông nghiệp, các DNNN được giao đất đã chuyển đổi đất trái phép, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, sai phạm trong cấp phép dự án tràn lan nhưng nhiều dự án "treo" dẫn đến nhiều người dân mất đất, thất nghiệp, gây bức xúc, khiếu kiện đông người.

Trong lĩnh vực y tế, các vi phạm chủ yếu là hành vi trục lợi bảo hiểm y tế với nhiều thủ đoạn khác nhau; thông đồng nâng khống giá thiết bị, giá thuốc điều trị trong đấu thầu để chiếm đoạt.

Đáng lưu ý, phát hiện việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho các đối tượng hình sự nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Còn trong lĩnh vực thuế thì tình trạng buôn bán hóa đơn giả, chiến đoạt tiền hóa thuế GTGT, buôn lậu,... gây thiệt hại lơn cho nhà nước và nhân dân.

Chưa đạt 60%

Cũng liên quan tới các vụ đại án tham nhũng, trước đó, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri vừa được Thanh tra Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, năm 2017, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng không đạt chỉ tiêu 60% theo mục tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Thanh tra Chính phủ xác nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Trong giải trình gửi Quốc hội, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể có gần 2.500 tỉ đồng trong vụ Ngân hàng Nông nghiệp, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như, hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh... đều rất khó để thu hồi.

Có 3 nguyên nhân được Bộ Tư pháp báo cáo bao gồm:

Một là, số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp.

Thứ hai, Bộ Tư pháp cho rằng, "tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa" hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án.

Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế.

Những con số gắn với ông Đinh La Thăng qua 2 vụ đại án. Nguồn: Người Đưa Tin

Tại diễn biến khác, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chuyển các bản án có hiệu lực pháp luật của ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) và đồng phạm tới Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để thực hiện thu hồi tài sản, thi hành án phần dân sự.

Tổng số tiền ông Thăng phải bồi thường qua 2 vụ án là 630 tỷ đồng.

Trên báo chí, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục  Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, Cục sẽ tiến hành xác minh thông tin về nhà đất trước đây ông Đinh La Thăng sinh sống tại Khu đô thị Sông Đà - Sudico (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Nhiều ý kiến nhận định, việc thu hồi số tiền 630 tỷ đồng từ ông Đinh La Thăng là rất khó bởi đây là số tiền lớn.

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, cơ quan tố tụng đã không thực hiện việc kê biên các tài sản có liên quan đến ông Đinh La Thăng.