"Thợ săn" khét tiếng Nguyễn Minh Đương (ngụ xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, Cà Mau), người chuyên đi “săn” loài cá kỳ lạ nhất hành tinh - cá thòi lòi trong rừng ngập mặn ở Cà Mau bắt đầu kể chuyện.
Săn loài cá kỳ lạ nhất hành tinh này, người dân xứ Đất Mũi có thu nhập cao. Ảnh: Chúc Ly.
Theo chân anh Nguyễn Minh Đương (ngụ xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), một “thợ săn” cá thòi lòi có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi có dịp trải nghiệm cách săn loài cá kỳ lạ nhất hành tinh này trong rừng ngập mặn trên nền bãi bồi ven biển của Mũi Cà Mau.
Ở Cà Mau, cá thòi lòi sống ở nhiều nơi ở vùng ngập mặn, trong rừng đước hay vuông tôm đều có. Có nhiều cách săn cá thòi lòi, như soi cá ban đêm, câu cá, nhưng cách phổ biến nhất là sử dụng xà di (một dụng cụ tự chế) để bắt thòi lòi. Từ dụng cụ này, ở những địa hình khác nhau như ở trong vuông, bãi bồi, trong rừng sẽ có những cách bắt khác nhau.
Theo quan sát của phóng viên, trước khi bước vào khu vực rừng để tìm hang bắt cá, anh Đương dọn cơm ra ăn trước. Theo như anh nói là để “cho chắc bụng vì lội rất lâu mới ra”. Sau đó, anh mang vào chân một đôi vớ dài đến đầu gối, tiếp đến lại mang thêm một đôi với ở bàn chân, cả 2 đều được may bằng vải dày. Theo anh Đương, phải trang bị vớ dày mới lội được trong rừng đước ngập mặn, đất rất mềm và có vô số nhánh cây đâm vào chân.
Anh Đương phải mang đủ 2 đôi vớ vải dày trước khi vào rừng "săn" cá thòi lòi. Ảnh: Chúc Ly.
Anh Đương kể: "Tôi theo nghề bắt cá thòi lòi trong rừng ngập mặn đã gần 20 năm, đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính. Ngày trước thì tôi làm một mình, nay 2 đứa lớn thì tụi nó cũng theo tôi đi bắt. Mỗi ngày, cả nhà kiếm được khoảng 800.000 -1.000.000 đồng, có những tháng gần Tết thì kiếm được nhiều hơn. Một tháng, trừ những ngày nước lớn, tôi đi được khoảng 15 ngày".
Cứ khoảng 7h30 sáng anh di chuyển bằng vỏ máy (phương tiện di chuyển trên sông) khoảng 1,5 giờ đồng hồ sẽ đến được bãi bồi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), để đặt xà di bắt cá. Người đi “săn” phải tranh thủ con nước ròng để lộ ra bãi bồi để tìm hang cá.
“Khi vào rừng, tôi sẽ chọn những khu vực trũng, và tìm hang cá. Tìm được hang tôi sẽ nhìn dấu bò của cá để biết là hang có cá hay không. Xác định hang có cá, tôi dùng một chiếc xà di đặt vào miệng hang, phần đuôi lưới của xà di phải được để hướng lên trên miệng hang, đảm bảo cá không chui ngược xuống được. Sau khi đi một vòng đặt khoảng 150 chiếc xà di, tôi mất khoảng hơn 2 tiếng, lúc này tôi đi vòng lại để thăm là vừa” - anh Đương chia sẻ.
Cũng theo anh Đương, sau một ngày “săn” cá thòi lòi, thông thường đến khoảng 15h, anh gọi thương lái đến mua cá. Tại đây, giá cá thòi lòi được thu mua từ 60.000-70.000 đồng/kg. “Cứ có cá thì kêu lái đến mua, có khi tôi chưa kịp về đến nhà thì cá đã được bán hết. Cá thòi lòi bây giờ không còn được nhiều như trước nên rất hút hàng. Nói chung nghề bắt cá thòi lòi trong rừng ngập mặn này chỉ cần chịu khó là có thu nhập ổn. Tuy nhiên, cũng vì địa hình rừng ngập mặn nên khi đi bắt cũng khá nguy hiểm, chuyện bị cây đâm vào chân là thường xuyên” - anh Đương bộc bạch.
Clip: Săn loài cá kỳ lạ nhất hành tinh ở rừng ngập mặn Đất Mũi.
Do cá thòi lòi là loài chỉ sống được trong tự nhiên, không thể nuôi nên thịt cá rất ngon, thơm và săn chắc. Chính vì vậy, lượng cá tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn càng tăng. Hiện nay, giá cá thòi lòi thu mua trong dân từ 60-100.000 đồng/kg, tùy thời điểm; còn tại các quán ăn thì giá tăng lên rất cao, trung bình tại các quán ăn từ 400.000-500.000 đồng/kg.
Dân Việt xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh theo chân "thợ săn” loài cá kỳ lạ nhất hành tin ở rừng ngập mặn Đất Mũi:
Theo anh Đương, trước khi đi bắt cá anh phải chuẩn bị xà di, thùng đựng cá, cơm nước để ăn lúc trưa. Ảnh: Chúc Ly.
Cứ khoảng 7h30 sáng anh di chuyển bằng vỏ máy (phương tiện di chuyển trên sông) khoảng 1,5 giờ đồng hồ sẽ đến được bãi bồi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), để đặt xà di bắt cá. Ảnh: Chúc Ly.
Người đi “săn” phải tranh thủ con nước ròng để lộ ra bãi bồi để tìm hang cá. Ảnh: Chúc Ly.
Anh Đương ăn cơm trước khi lội hàng giờ trong rừng để đặt xà di bắt cá thòi lòi. Ảnh: Chúc Ly.
Để tiết kiệm chi phí, những chiếc xà di do chính tay anh Đương làm, với nguyên liệu là lưới và sắt nhỏ. Mỗi chiếc xà di thành phẩm có chi phí khoảng 1.000 đồng. Chiều dài mỗi chiếc xà di khoảng 1m, với miệng xà di có đường kính khoảng 15cm. Ảnh: Chúc Ly.
Người thợ sẽ tìm hang và xác định dấu bò của cá để đặt xà di. Ảnh: Chúc Ly.
Một con cá thòi lòi đã dính vào xà di. Ảnh: Chúc Ly.
Thành quả sau một ngày đi "săn" cá thòi lòi trong rừng ngập mặn. Mỗi ngày một mình anh Đương có thể bắt được khoảng 10kg cá thòi lòi. Ảnh: Chúc Ly.
Một con cá thòi lòi dính trong xà di cùng một con ba khía. Ảnh: Chúc Ly.
Theo anh Đương, 1kg cá thòi lòi từ khoảng 8-10 con. Ảnh: Chúc Ly.
Với hình thù khá kỳ dị với hai mắt lòi ra, hàm răng sắt bén, nên nhiều người cũng không thích ăn. Nhưng ngày nay, loài cá này được ưa chuộng bởi chất lượng thịt ngọt, chắc, thơm. Ảnh: Chúc Ly.
Cá thòi lòi từ lâu đã trở thanh một đặc sản trứ danh của xứ Đất Mũi. Cá thòi lòi vốn được nhiều người ví von là loài cá kỳ lạ nhất hành tinh, khi vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, vừa biết leo cây. Ngày nay, săn cá thòi lòi là nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều người.
Theo người dân địa phương, hàng chục năm trước, cá thòi lòi có rất nhiều nhưng không có nhiều người ưa chuộng như bây giờ, nên chủ yếu người dân bắt cá để ăn trong gia đình.