Chiều 29.10, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp báo công tác tư pháp quý 3 và tháng 10 năm 2018. Tại đây, ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua Bộ đã kiểm tra 1.074 văn bản các Bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: T.An
Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục giải quyết các vụ thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Cụ thể, đối vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã thi hành án xong toàn bộ các khoản phải thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu xung quỹ.
Vụ Phạm Công Danh đã thi hành án hơn 5.230 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45%, đối với các khoản còn lại còn phải thi hành, cơ quan THADS đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê khai.
Vụ Giang Kim Đạt, Cục THSDS TP.Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan xử lý các tài sản tại Hà Nội để thi hành án, đã ủy thác cho các cơ quan THADS tại TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và tỉnh Khánh Hòa để xử lý các tài sản kê biên trong vụ việc.
Vụ Hà Văn Thắm, cơ quan THADS đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, xét xử gồm quyền sử dụng đất, nhà và tài sản khác như cổ phần, cổ phiếu để bảo đảm thi hành án.
Nói rõ hơn về việc thi hành bản án của vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỉ đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, trong vụ án trên, ông Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác buộc phải bồi thường hơn 820 tỉ đồng, cùng với án phí hơn 1,43 tỉ đồng. Riêng ông Đinh La Thăng bị buộc phải bồi thường 600 tỉ đồng cho PVN.
"Đến nay đã thi hành được 521 triệu đồng án phí, bồi thường được 20 tỉ đồng cho PVN, vẫn còn 800 tỉ đồng bồi thường đang trong quá trình thi hành án. Hiện, cơ quan thi hành án đang xác minh tài sản, tiếp nhận các kê biên tài sản để tiếp tục thi hành án" - ông Lực cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực trả lời báo giới tại buổi họp báo quý 3, Bộ Tư pháp, chiều ngày 29.10. Ảnh: T.An
Lãnh đạo, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cho biết việc thi hành án đối với vụ án cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga đến nay chỉ mới thi hành được hơn 4,4 tỉ đồng, trong khi bản án buộc phải bồi thường 358 tỉ đồng cho các bị hại.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng nhấn mạnh việc thi hành án liên quan đến các "đại án" thời gian qua là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm.
"Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án ở địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thi hành án đối với từng "đại án", thành lập các tổ công tác đôn đốc thực hiện"- ông Nguyễn Văn Lực nói.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nêu ra 4 vấn đề khiến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, số tiền của các vụ án phải thi hành án thường rất lớn, tải sản cơ quan thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra thì không đủ để thi hành án. Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án tiến hành xác minh rất khó khăn trong việc truy tìm tài sản của người phải thi hành án, hầu hết các trường hợp này không còn tài sản khác mà trực tiếp đứng tên.
Thứ hai, tài sản thi hành án của các vụ việc này thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó, tại Điều 57 Luật THADS lại quy định phải xử lý xong tài sản ở địa phương ra quyết định thi hành án thì mới tiếp tục ủy thác việc thi hành án về các địa phương khác.
Thứ ba, trong một số tài sản này là cổ phiếu có liên quan đến chứng khoán nên cần có sự phối hợp thực hiện của các cơ quan liên quan cho nên tiến độ giải quyết các vụ việc cần có thời gian.
Thứ tư, có sự phát sinh tài sản giữa vợ chồng, do đó cơ quan thi hành án phải phân chia theo luật Hôn nhân gia đình.