Dân Việt

Đôi mắt thiên thần của cặp vợ chồng khiếm thị

Văn Long 01/11/2018 08:48 GMT+7
Những người hàng xóm vẫn nói, đôi mắt sáng của bé Xuân Trúc là điều hạnh phúc nhất của ông Trực, bà Linh - cặp vợ chồng khiếm thị ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Sống cùng bố mẹ trên đường Lữ Gia (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cứ cuối tuần, bé Nguyễn Phùng Xuân Trúc lại cùng bố đến Hội người mù tỉnh Lâm Đồng. Cô bé là đôi mắt dẫn đường cho bố của mình.

Trò truyện với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trung Trực (bố của bé Xuân Trúc) vui vẻ nói: “Cháu nó ngoan lắm, giúp bố mẹ rất nhiều việc nhà, cả xóm cũng như người trong hội đều quý mến”.

Ngồi trên chiếc ghế đá dưới những tán thông trong khuôn viên của Hội người mù tỉnh Lâm Đồng ông Trực chậm rãi kể lại chuỗi ngày gian khó của cuộc đời mình. 

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), năm 24 tuổi, ông Trực đi đào giếng thuê bị chiếc cuốc rơi vào đầu tổn thương dây thần kinh. Ông đã được gia đình đưa đi điều trị ngay nhưng bác sĩ kết luận ông bị mù mắt.

img

Bé Xuân Trúc vẫn thường đọc truyện cho người bố bị khiếm thính của mình sau mỗi buổi tan trường. Ảnh: Văn Long.

“Ban đầu tôi tuyệt vọng vô cùng, mới 24 tuổi - đang ở độ tuổi sung sức của thanh niên, mà bị mù coi như chả còn gì. Thế nhưng nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã quyết định đi TPHCM học chữ nổi”, ông Trực tâm sự.

Học xong khóa chữ nổi, ông Trực đã về lại Đà Lạt rồi vô tình gặp bà Phùng Ngọc Linh (43 tổi) tại Hội người mù tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, hai người thường xuyên giúp đỡ nhau và yêu nhau lúc nào không biết. Sau 6 năm quen nhau, họ đã quyết định đi tới hôn nhân. Khi cặp đôi khiếm thị xin phép kết hôn đã gặp phải sự phản đổi kịch liệt của gia đình.

“Người thân không muốn chúng tôi kết hôn vì sợ nếu sinh con sẽ có khả năng bị dị tật lại tăng thêm gánh nặng cho cả gia đình. Ngược lại, bạn bè vẫn có người ủng hộ chúng tôi vì họ cho rằng sẽ có thêm niềm vui trong cuộc sống”, bà Linh chia sẻ.

Cũng suy nghĩ tích cực, ông Trực đã tìm hiểu nhiều cặp đôi khiếm thị kết hôn, cuộc sống vẫn ổn định và con sinh ra không bị dị tật. Cuối cùng họ đã thuyết phục được để gia đình đồng ý rồi kết hôn năm 2010. Sau khi kết hôn, họ làm việc cóp nhặt được một số tiền nhỏ, bà Linh bán vé số trúng nên được khách tặng một khoản tiền. Hai người đã mua được một miếng đất khoảng 40m2. Cùng sự giúp đỡ của những mạnh thường quân, năm 2010 anh chị đã được xây một căn nhà cấp bốn nhỏ trên đường Lữ Gia.

img

Đôi mắt của Xuân Trúc đã trở thành niềm hạnh phúc của gia đình ông Trực, bà Linh. Ảnh: Văn Long.

Một năm sau, cô Linh đã sinh bé gái dễ thương và bình thường như bao đứa trẻ khác và đặt tên Nguyễn Phùng Xuân Trúc.

“Từ lúc sanh con đến giờ vợ chồng tôi chưa phải thức đêm lần nào vì cháu rất ngoan, không quấy khóc về đêm. Kể cả khi cháu ốm, sốt, đến đêm lại ngủ li bì tới sáng. Vì vậy chúng tôi cũng đỡ vất vả. Đến khi biết ăn bột, cháu như một con chim non, chỉ cần đưa thìa bột ra là cháu lại ngoái cổ lên để ăn. Chính vì vậy mà việc nuôi bé đối với người khiếm thị như chúng tôi đã bớt được phần nào”, ông Trực bộc bạch.

Đến nay, bé Xuân Trúc đã 7 tuổi và đang học lớp 2 Trường Tiểu học Phan Như Thạch. Không những đạt học lực giỏi trên lớp mà bé Xuân trúc còn giúp đỡ bố mẹ rất nhiều việc.

Thứ 7 hàng tuần được nghỉ học, cô bé có dáng vẻ nhanh nhẹn thường nắm tay ông Trực dẫn lên cổng của Hội người mù tỉnh Lâm Đồng. Khi trở về nhà, bé cũng thường xuyên giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ. Quét nhà, nhặt rau hay lau bàn ghế Xuân Trúc đều có thể làm được.

“Con biết bố mẹ đi lại khó khăn nên cố gắng học thật giỏi, giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn để bố mẹ vui lòng, yên tâm làm việc”, cô bé ấp úng trả lời câu hỏi của PV.

img

Cô bé 7 tuổi thưởng xuyên giúp đỡ công việc nhà cho bố mẹ mỗi khi ở nhà. Ảnh: Văn Long.

Hàng ngày, ông Trực đến Hội người mù để dạy chữ nổi cho các thành viên trong hội với số tiền trợ cấp nhỏ. Ông Trực phải thuê xe ôm đi làm, với khoảng cánh hơn 5km, bé Xuân Trúc cũng được đưa đi học bằng xe ôm. Vì vậy số tiền đi xe hàng tháng của hai người là khá nhiều. Bà Linh đi bán vé số tại khu vực chợ Phan Chu Trinh, tiền lời hàng ngày chỉ được khoảng 100 ngàn đồng.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng ông Trực luôn mong muốn và cố gắng rất nhiều để làm sao để bé Xuân Trúc được đi học đầy đủ.

Ông Vũ Xuân Trường – Chủ tịch Hội người mù tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Gia đình ông Trực khá khó khăn, tuy nhiên khát vọng được yêu và sống tốt bên trong con người họ rất tuyệt vời. Ông Trực là người rất có trách nhiệm với gia đình, hoạt động công tác hội rất nhiệt tình. Đặc biệt, cháu Trúc con của ông Trực rất ngoan, biết nghe lời và thường xuyên giúp đỡ bố mẹ”.