Mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gỡ bỏ khỏi trang web của Bộ, nhưng bản dự thảo với những nội dung rất nhạy cảm đã gây bão dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Xung quanh vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Trịnh Hoà Bình.
Thưa ông, là nhà nghiên cứu xã hội, chuyên gia xã hội học, ông đánh giá thế nào về bản dự thảo này?
- Trước tiên phải nói rõ, những quy định này nằm trong thông tư hướng dẫn về thực hiện quy tắc ứng xử của học sinh, sinh viên thuộc khối các trường trung học và cao đẳng sư phạm, tức là dành cho các cô giáo, thầy giáo sau này.
Tuy nhiên, bán dâm bây giờ được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là đối với giới nữ mà còn là cả giới nam và người lưỡng tính. Việc lượng hoá số lần bán dâm với quy định cụ thể “4 lần bán dâm sẽ bị xử lý” quả thật là rất hài hước, nực cười. Vô hình trung nó như một hành vi “khuyến khích” quan điểm nên nhìn nhận bán dâm như một nghề.
Theo ông Trịnh Hoà Bình, lượng hoá số lần bán dâm để xử lý là hành vi kém khôn ngoan.
Việc đưa ra dự thảo quy định này của Bộ GD&ĐT đang nhận nhiều ý kiến phản ứng, chỉ trích. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đương nhiên mọi người đều biết, hiện nay việc mua - bán dâm là câu chuyện khá nhạy cảm. Xung quanh điều này cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc: Nên hay không nên công nhận bán dâm là một nghề. Khi câu chuyện chưa tới hồi ngã ngũ, chính quyền vẫn không chấp nhận bán dâm là một nghề và chỉ áp dụng các biện pháp giảm hại, thì Bộ GD&ĐT lại có vẻ rất “cởi mở” trong việc chấp nhận để sinh viên bán dâm tới “lần 4” mới bị xử lý.
Đương nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, dự thảo không có ý đồng tình hay ủng hộ hoạt động bán dâm, nhưng việc lượng hoá số lần bán dâm để xử lý quả là việc làm kém khôn ngoan, hài hước của người làm chính sách.
Dự thảo có quy định sinh viên Cao đẳng, Trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học.
Theo cá nhân ông, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Tôi thấy lẽ ra không cần phải bàn tới câu chuyện này bởi sinh viên, dù là nữ sinh hay nam sinh, trong môi trường học đường, sư phạm đều phải được đánh giá, khuyến cáo và phải được kiểm soát bằng một quy chế chung dựa trên hệ thống quy chế của trường và hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Khi đã đủ tuổi công dân, bất kể là sinh viên, học sinh đều phải chịu trách nhiệm xã hội với hành vi vi phạm pháp luật của mình. Vậy cần gì phải có quy chế, lượng hóa số lần bán dâm?!
Theo tôi, chỉ cần quy ước là sinh viên phải chấp hành nội quy học tập của nhà trường, gìn giữ đạo đức, tác phong trong sáng, không tha hoá, biến chất như cách làm với cán bộ đảng viên.
Còn khi học sinh, sinh viên vì khó khăn, dòng đời xô đẩy... mà lỡ đi bán dâm, cần phải được xem xét trên góc độ quyền con người và pháp luật hiện hành. Như vậy chỉ cần một lần phát hiện là cũng phải xử lý, chứ không thể bán dâm tới lần thứ 4 rồi mới xem xét có kỷ luật hay không.
Đương nhiên, để kỷ luật các em cũng cần phải tính đến nhiều yếu tố khác, ví dụ vấn đề đạo đức, tác phong, quá trình học tập, sự nỗ lực cá nhân..., nói chung xem xét phải dựa trên cả tình, cả lý.
“Rõ ràng Dự thảo quy chế ứng xử trong học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT vừa qua cho thấy sự “phát triển” mạnh mẽ qua các lần cải cách. Theo quy định, trước đây, sinh viên chỉ cần bán dâm 2 lần là đã bị xử lý, nhưng giờ nhân 2 lên thành 4 lần. Không biết những năm tới đây, liệu con số này có được nhân lên nữa hay không?” - ông Trịnh Hoà Bình băn khoăn. |