Tham dự buổi tọa đàm, có ông: Hà Sỹ Đồng- Ủy viên Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Phạm Văn Điển- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm giáo dục và phát triển (CED)...
Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018. Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.
Theo quy định, nguồn gỗ xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ phải được khai thác hợp pháp và có chứng chỉ.
Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU gồm 27 Điều và 9 Phụ lục kỹ thuật. Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi xuất khẩu vào EU.
Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội để nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12 – 13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Hiệp định sẽ góp phần tạo điều kiện chủ động cho các doanh nghiệp, giảm mức rủi ro cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, uy tín của Việt Nam cũng nâng lên tạo thuận lợi cho các mặt hàng gỗ và lâm sản của chúng ta xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và những thị trường có những quy định tương tự như của EU về nguồn gốc gỗ.
Chế biến gỗ ván thanh phục vụ xuất khẩu.
Hiệp định VPA được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, đồng thời có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Việt Nam sẽ áp dụng các bộ lọc rủi ro là “loài rủi ro” và “vùng địa lý rủi ro” để kiểm soát và quản lý gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ thực hiện việc phân loại mức độ rủi do doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung của Hệ thống VNTLAS để có chế tài quản lý phù hợp.
Doanh nghiệp sẽ được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm 1 là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và Nhóm 2 là doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp Nhóm 1 sẽ được chủ động trong hoạt động kinh doanh, không phải trình cho cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận hồ sơ xuất khẩu. Trong khi các doanh nghiệp Nhóm 2 sẽ phải trình Bảng kê lâm sản cho cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra, xác nhận thực tế 20% lô hàng trước khi xuất khẩu và cấp phép FLEGT. Giấy phép FLEGT chỉ cấp cho những lô gỗ xuất khẩu sang EU, đây được coi là “giấy thông hành” đặc biệt do chính các cơ quan Việt Nam cấp để xác nhận lô hàng gỗ của ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Bên cạnh những lợi ích, Hiệp định này cũng đặt ra những nghĩa vụ cho Việt Nam về việc phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch xây dựng một Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, hoàn thành trong năm 2019 nhằm thể chế hoá các cam kết của Hiệp định.
EU là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam và có hơn 400 doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này. Việt Nam và EU khởi động đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vào tháng 10/2010 và chính thức đàm phán từ tháng 11/2011. Hai bên đã kết thúc đàm phán vào ngày 11/5/2017. Trong hơn 6 năm đàm phán, hai bên đã tiến hành 11 phiên đàm phán cấp cao, 19 phiên đàm phán kỹ thuật và hàng chục phiên họp trực tuyến cùng các hội thảo tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, cộng đồng địa phương về các nội dung của Hiệp định.
Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời sẽ giải đáp trực tiếp các câu hỏi của dư luận và độc giả liên quan đến nội dung của hiệp định này, cũng như các cơ hội, thách thức mà ngành sản xuất, chế biến gỗ sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Buổi tọa đàm trực tuyến sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Dân Việt và livestream trên Fanpage danviet.vn của Báo điện tử Dân Việt. Ngay từ bây giờ, quý vị độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho Ban Tổ chức theo địa chỉ e-mail: nhanong@danviet.vn; hoặc cũng có thể gửi câu hỏi trên facebook tại địa chỉ: danviet.vn (https://www.facebook.com/baodientu/) |