Dân Việt

"Vua kiếm hiệp" Kim Dung giàu có, quyền lực cỡ nào?

Linh Nhi (tổng hợp) 31/10/2018 08:32 GMT+7
Kim Dung qua đời ngày 30.10 sau thời gian chiến đấu với bệnh tật và tuổi già, để lại sự thương tiếc, ngưỡng mộ cho hàng triệu người hâm mộ.

Kim Dung sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong một gia tộc khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng, còn ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

img

Nhà văn Kim Dung

Ông là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Ông được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua.

Vào năm 1955, ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" trên tờ New Evening Post  với bút danh Kim Dung.

Tác phẩm lập tức gặt hái thành công vang dội. Ông tiếp tục cho ra đời các bộ tiểu thuyết võ hiệp khác, với tác phẩm cuối cùng là "Lộc Đỉnh Ký" vào năm 1972. Tính tổng cộng, từ năm 1955 đến năm 1970, tiểu thuyết gia Kim Dung đã sáng tác 14 bộ tiểu thuyết.

Các tiểu thuyết của ông được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh, chương trình phát thanh cho đến trò chơi điện tử.

img

Kim Dung là nhà văn tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc

Sau khi kết thúc những bộ truyện kiếm hiệp cuối cùng vào thập niên 1970, Kim Dung bắt tay chỉnh sửa lại nhiều tác phẩm trước đó của mình. Ông tiếp tục tung hoành trong làng văn chương võ hiệp Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm tái bản từ năm 1999 cho đến khi thật sự gác bút vào năm 2006, theo Taiwan News.

Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới, đưa ông trở thành một trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại và trở thành nhà văn tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc.

img

Kim Dung chụp ảnh bên "Tiểu Long Nữ" Lưu Diệc Phi và "Dương Quá" Huỳnh Hiểu Minh.

Ngoài sự nghiệp văn học đồ sộ, ông còn nổi tiếng với vai trò người sáng lập ra tờ Minh báo tại Hong Kong vào năm 1959, giữ vị trí tổng biên tập cho đến khi về hưu vào năm 1989 khi đã ngoài 67 tuổi. Ông được ví như trùm báo chí Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng về sức mạnh quyền lực.

Vào thời điểm Kim Dung lập ra Minh báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ vỏn vẹn có 100.000 đôla Hong Kong (HKD). Đến năm 1991 khi Minh báo lên sàn cổ phiếu, "đứa con tinh thần" của Kim Dung được định giá 870 triệu HKD, trong đó Kim Dung sở hữu 60%.

Năm 1992, lợi nhuận năm của Minh báo đạt 100 triệu HKD. Khối tài sản của Kim Dung lúc đó ước tính vào khoảng 120 triệu HKD, xếp thứ 64 trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong.

Năm 2010, các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc, mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng lợi nhuận bản quyền, chưa tính tới phần trăm lãi trên đầu sách bán ra, Kim Dung đã thu về 3,5 triệu NDT (khoảng 12 tỷ đồng).

Nhờ đó, tiểu thuyết gia tuổi 86 được xếp vị trí thứ 12 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2010, dù đã gác bút nhiều thập kỷ.